An Giang: Phum, sóc vào Xuân

24/01/2020 - 04:39

 - Trong tiết trời xanh mát của những ngày Xuân, các phum, sóc trên địa bàn huyện miền núi Tri Tôn (An Giang) như khoác lên mình chiếc áo mới. Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày một đi lên, các thể chế văn hóa được giữ gìn… Để có được thành quả ấy, ngoài sự chăm lo của Đảng và nhà nước còn phải kể đến sự nỗ lực phấn đấu của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer trong việc chung tay xây dựng phum, sóc giàu đẹp.

Đời sống nâng cao

Năm nay, đồng bào DTTS Khmer đón xuân vui hơn, bởi diện mạo phum, sóc đã có nhiều đổi thay tích cực. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS ngày càng hoàn thiện; bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Nhiều ngôi nhà mới mọc lên; những vườn cây ăn trái xanh um đã và đang đem lại nguồn thu đáng kể góp phần giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống người dân.

Bà con đồng bào DTTS Khmer tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, nhà nước, hăng hái thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần giảm nghèo, xây dựng làng quê phát triển.

Đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao

Năm nay, gia đình ông Chau An (xã Núi Tô) đón Tết vui hơn bởi diện tích đất ruộng và cây ăn trái đã đem lại thu nhập đáng kể. Càng phấn khởi hơn khi 2 người con của ông Chau An đã có việc làm ổn định.

Ông An cho biết, trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào việc canh tác lúa, nhưng hiệu quả mang lại không cao. Đến năm 2000, nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, có thể chủ động nguồn nước tưới tiêu cho trồng trọt, vợ chồng ông tập trung canh tác 2 vụ lúa.

Thêm vào đó, nhờ chủ động được nguồn nước nên 2 công xoài thanh ca, trồng xen cây mít trên núi Tô phát triển rất tốt, cuộc sống gia đình từ đó có bước tiến rõ rệt. Nhờ vậy, ông Chau An có tiền dành dụm, tích góp để mua thêm đất ruộng để canh tác.

“Hiện nay, gia đình tôi có 2ha đất trồng lúa, mỗi năm sản xuất 2 vụ, thu lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng. Ngoài ra, phần đất trên núi Tô gia đình tôi tận dụng trồng xoài, mít, rẫy… thu nhập từ làm vườn đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày” - ông Chau An chia sẻ.

Cơ sở hạ tầng cải thiện

Về xã Ô Lâm, địa phương có trên 97% đồng bào DTTS Khmer sinh sống, chúng tôi dễ dàng nhận thấy bộ mặt nông thôn như được “thay da đổi thịt”, sức sống mới hiện rõ trên từng phum, sóc và từng ngôi nhà.

Nhiều công trình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương được khẩn trương hoàn thành và đưa vào phục vụ đời sống nhân dân. Hệ thống giao thông được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, đảm bảo tình hình an ninh trật tự…

Ông Chau Sóc Sa (một trong những người có uy tín tại địa phương) chia sẻ: “Tôi thật sự vui mừng khi được đóng góp một phần nhỏ trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, đời sống người dân dần được ổn định; trường học ngày càng khang trang, sạch đẹp; các khu di tích lịch sử cách mạng được chỉnh trang, bảo tồn; ngành nghề truyền thống được khôi phục, khuyến khích người dân vừa sản xuất, vừa tạo tiền đề để phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”.

Đồng bào dân tộc thiểu số Khmer hân hoan chào đón năm mới

Trưởng phòng Dân tộc huyện Tri Tôn Néang Sâm Bô cho biết, những năm qua, huyện đã lồng ghép các nguồn lực từ những chương trình, dự án của Trung ương và địa phương trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Huyện đã nỗ lực triển khai thực hiện công tác giảm nghèo với nhiều nội dung và hình thức trong vùng đồng bào DTTS  Khmer gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nhờ đó đã góp phần đáng kể trong giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được các ngành, các cấp đặc biệt chú trọng. Công tác xã hội hóa cũng được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các ngành đoàn thể cùng cộng đồng tham gia. Qua đó, đã tạo sức lan tỏa, đồng thuận trong nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS.

Đó là câu chuyện của ông Chau Om, Ta à cha trưởng chùa ChiTaMung (ấp Tô An, xã Cô Tô) vận động rải đá, xây dựng cầu, đường nông thôn; xây dựng phòng học dạy chữ Khmer cho học sinh; vận động bà con làm cột cờ, hàng rào quanh nhà tạo mỹ quan phum, sóc.

Là tấm gương Chau Sưng, Ta à cha trưởng chùa núi Tà Pạ đã vận động người dân quyên góp tiền của, công sức xây dựng được 7 tuyến đường nông thôn tại địa bàn, với tổng chiều dài trên 3.000m, tổng kinh phí trên 5,3 tỷ đồng…

Không chỉ đón Tết Nguyên Đán như người Kinh, người Hoa, đồng bào DTTS Khmer còn mong muốn có một mùa xuân an vui, hạnh phúc; một năm mới mưa thuận, gió hòa để công việc sản xuất được dễ dàng, thuận lợi hơn.

ĐỨC TOÀN