An Giang: Sống thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh

01/04/2022 - 06:56

 - Hiện nay, người dân tích cực công tác, học tập, lao động, sản xuất, nhằm nhanh chóng ổn định đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, cũng cần xác định rõ, chưa biết khi nào dịch bệnh COVID-19 chấm dứt, nên mỗi người dân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.

Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, ngoài việc thực hiện nghiêm các biện pháp của Chính phủ và UBND tỉnh An Giang, vai trò, trách nhiệm quản lý của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở cần được phát huy mạnh mẽ. Các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, Tổ COVID-19 cộng đồng vào cuộc quyết liệt trong truyên truyền, vận động, giám sát người dân, doanh nghiệp phòng, chống dịch. Đặc biệt, mỗi người dân đề cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự giác chấp hành, tuân thủ quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh trong trạng thái mới.

Người dân đến giao dịch tại ngân hàng

Sau nhiều lần được tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, bà Nguyễn Thị Thu Vân (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) đã không còn hoang mang, lo lắng, mà chủ động thực hiện thông điệp “5K”, nhất là đeo khẩu trang, sát khuẩn tay khi đến nơi đông người. Bà Vân chia sẻ: “Đâu phải tiêm vaccine đầy đủ là “bất tử” đâu. Nhiều trường hợp tiêm ngừa đầy đủ vẫn bị nhiễm, không ít trường hợp tái nhiễm, nên không thể chủ quan. Mong mọi người hãy nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn có nhiều người dân chủ quan, không đeo khẩu trang, tụ tập nơi đông người, không thực hiện thông điệp “5K”. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng người bị F0 có dấu hiệu che giấu, trốn tránh khai báo hoặc khai báo không trung thực; ngang nhiên đi lại, tiếp xúc với nhiều người trong cộng đồng. Có người sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine, nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là, tự tin rằng cơ thể đã miễn dịch, nên không thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng ngừa y tế, ngay cả khi sinh hoạt hoặc làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.

Học sinh rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào lớp

Những nhận thức thiếu suy nghĩ và tiêu cực như vậy đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Bởi bất luận trong điều kiện nào, nếu không tuân thủ nghiêm túc khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh, người tiêm đủ 2 liều vaccine, kể cả đã có vaccine tăng cường, vẫn có thể nhiễm bệnh. Việc thêm người bị mắc COVID-19 sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ thống y tế ở địa phương trong việc giám sát, theo dõi, quản lý và điều trị. Do đó, trước nguy cơ mới của dịch bệnh, mỗi người dân cần phát huy tinh thần chủ động, ý thức trách nhiệm, tuân thủ nghiêm khuyến cáo trong phòng, chống dịch bệnh; kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, hành vi có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

Anh Lê Thanh Tú (chủ một quán ăn tại phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) cho rằng, việc mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh đã tạo điều kiện để người dân duy trì công việc, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong thời điểm còn "sống chung" với dịch bệnh, phải luôn đề cao cảnh giác, thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh. “Khi khách vào quán, tôi nhắc nhở khách sát khuẩn tay, quét mã QR, ngồi đảm bảo khoảng cách. Còn nhân viên của quán phải đeo khẩu trang khi phục vụ. Hàng tuần, tôi test nhanh cho các nhân viên để kịp thời xử lý khi xuất hiện ca F0” - anh Tú chia sẻ.

Doanh nghiệp sản xuất thích ứng linh hoạt, an toàn

Thời gian qua, khi người dân phản ánh F0 tự ý rời khỏi nơi ở khi chưa hết thời gian cách ly, làm tăng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cho cộng đồng, ngành y tế phối hợp địa phương kịp thời chấn chỉnh thực trạng này. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn các biện pháp phòng lây nhiễm: “Người mắc COVID-19 cần hạn chế ra khỏi phòng cách ly. Khi ra khỏi phòng cách ly, phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong gia đình, nhưng không được ra khỏi nhà”. Tích cực triển khai phần mềm quản lý F0 tại nhà để quản lý tốt ca mắc COVID-19 trên địa bàn; phối hợp Tổ COVID-19 cộng đồng địa phương theo dõi, quản lý, hỗ trợ F0 mua thuốc hay nhu yếu phẩm. Tuyệt đối không để người mắc COVID-19 chưa hết thời gian cách ly được ra khỏi nhà, tham gia hoạt động xã hội, làm lây nhiễm SARS-CoV-2 cho cộng đồng, vi phạm quy định của pháp luật…

Để thích ứng an toàn, linh hoạt và sống chung với đại dịch COVID-19, các cấp, ngành cần tập trung tuyên truyền về phương thức sống chung với dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, phải trang bị cho người dân hiểu biết chính xác, khách quan, khoa học về dịch bệnh COVID-19 và cách thức phòng, chống theo “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân và các biện pháp khác”. Trong đó, ý thức trách nhiệm của người dân là yếu tố quyết định. Chính sự hiểu biết sẽ làm gia tăng sức đề kháng bệnh dịch của toàn bộ hệ thống xã hội.

Mỗi người dân không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh, bởi ai cũng hiểu rõ, dịch bệnh COVID-19 hiện nay luôn tiềm ẩn những bất ngờ, diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, người dân giữ vai trò là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch, đồng thời chủ động tự theo dõi sức khỏe của mình. Nếu có biểu hiện, triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, thông báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.

TRUNG HIẾU