Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam nhằm triển khai đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả kế hoạch của Bộ Công Thương, UBND tỉnh về phát triển, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao nhận thức, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Qua đó, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội. Nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2022 (tháng 11). Trong tháng cao điểm, đơn vị phối hợp tuyên truyền phổ biến các chính sách, pháp luật, thông tin về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng. Hướng dẫn người tiêu dùng về cách thức mua hàng, dấu hiệu nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng trong mua sắm, đặc biệt mua sắm online, qua các mạng xã hội (Facebook, Zalo...).
Trong quý II và III/2023, sẽ tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thực hiện tiểu phẩm tuyên truyền kiến thức về quyền lợi của người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ. Phối hợp Quỹ Chống hàng giả (Bộ Công Thương) tuyên truyền khuyến cáo, hướng dẫn người dân kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi nhận: Lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng trong quá trình kinh doanh, tiêu dùng; đấu tranh, chống buôn lậu và gian lận thương mại; chống hàng giả, hàng nhái để bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp (DN); Tổng đài chống hàng giả 1900 066 689.
Sở Công Thương phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Sở Công Thương An Giang sẽ tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm các cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm; và hướng dẫn các quy phạm pháp luật và các văn bản quản lý nhà nước liên quan. Thiết kế, in ấn và phát hành 2.000 quyển sổ tay người tiêu dùng; tham gia các hội thảo, hội nghị, khóa đào tạo liên quan.
Đồng thời, hỗ trợ các DN thực hiện hoặc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DN, tạo cầu nối và sự tương tác giữa các bên.
Phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường giám sát và phối hợp kiểm tra, xử lý các hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng; xử lý các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; hành vi sản xuất hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trên môi trường mạng. Thanh, kiểm tra về thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.
Sở Công Thương An Giang phối hợp Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh duy trì hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng; tổ chức các hoạt động phát triển công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tiếp tục triển khai mô hình truy xuất nguồn gốc rau củ quả và thịt heo, nhằm hướng dẫn, hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm tốt nhất.
Năm 2022, với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”. Ngành công thương triển khai hiệu quả các hoạt động, góp phần nâng cao nhận thức, ý nghĩa sâu sắc và tầm quan trọng của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của toàn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của các DN, cơ sở SXKD đối với việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Tỉnh đã treo 100 băng-rôn, 200 phướn tuyên truyền; tổ chức 2 hội thảo phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hàng trăm tin, bài tuyên truyền. Thông tin kịp thời, đầy đủ đến người tiêu dùng về hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất, danh sách các DN, cơ sở SXKD lừa dối khách hàng để mọi người biết rõ khi mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Đồng thời kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ, nhãn mác hàng hóa, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường…
Hỗ trợ DN thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng; thúc đẩy hiệu quả hoạt động SXKD của các DN, tạo cầu nối và sự tương tác giữa các bên, như: Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền; Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang; trưng bày, triển lãm các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm đặc sản... và các sự kiện kết nối giao thương ngoài tỉnh.
Thực hiện 7 cuộc khảo sát chất lượng và nhãn hàng hóa lưu thông trên thị trường; kiểm tra, kiểm soát thị trường 1.325 vụ, phát hiện 541 vụ vi phạm, chuyển cơ quan tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự 7 vụ. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tiếp nhận và giải quyết 3 đơn khiếu nại, yêu cầu hỗ trợ giải quyết. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế số...
HẠNH CHÂU