An Giang tăng cường chăm lo, hỗ trợ trẻ em

13/04/2022 - 03:42

 - Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tăng cường lãnh, chỉ đạo đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em. Các sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh truyền thông, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho trẻ phát triển toàn diện.

Tặng xe đạp cho học sinh nghèo

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, gia đình, cộng đồng, người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ và các hoạt động xã hội khác phù hợp từng lứa tuổi.

Tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình giúp đỡ trẻ em và nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em dựa vào cộng đồng, như: Mô hình kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bị bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; mô hình dự án phòng, ngừa giảm thiểu lao động trẻ em; mô hình ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, tổ chức dạy bơi cho trẻ em...

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, quản lý và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích.

Nhằm đạt mục tiêu có 75% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt các tiêu chuẩn “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em” trong năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá các chỉ tiêu theo Quyết định 06/QĐ-TTg. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, đoàn thể xã hội và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân hưởng ứng xây dựng “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em” từ cộng đồng dân cư.

Đến nay, có 74/156 xã, phường, thị trấn được triển khai mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; củng cố 156 cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, 1.714 cộng tác viên khóm, ấp. Tiếp tục duy trì các mô hình trợ giúp trẻ em tại cộng đồng ở huyện Phú Tân, Châu Thành, Chợ Mới, TP. Châu Đốc. Duy trì hoạt động của Văn phòng Công tác xã hội huyện Tịnh Biên và Phú Tân. Tiếp tục triển khai thực hiện “Mô hình kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” tại 2 xã Vĩnh Xương và Tân An (TX. Tân Châu); nhân rộng thêm 2 địa bàn là xã Long Điền A và thị trấn Mỹ Luông (huyện Chợ Mới). 

 Đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, tiếp tục duy trì mô hình cộng đồng an toàn tại 4 xã thuộc các huyện Dự án Bạn hữu trẻ em (xã Phú Thọ, huyện Phú Tân), xã Văn Giáo (huyện Tịnh Biên), xã Khánh An  (huyện An Phú), xã Lê Trì (huyện Tri Tôn). Tiếp tục hỗ trợ 3 lồng bơi di động cho các huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên và Tri Tôn. Từ năm 2018 đến nay, đã hỗ trợ 17 lồng bơi cho 17 xã với kinh phí 915 triệu đồng.

Để phòng tránh tai nạn đuối nước tại địa phương, lắp đặt 152 pa-nô tuyên truyền phòng tránh tai nạn thương tích đuối nước đặt tại các địa điểm có nguy cơ ở các địa bàn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang phối hợp Tỉnh đoàn triển khai mô hình “Biển báo nguy hiểm và phao cứu sinh tái chế ” với 300 phao cứu sinh và biển cảnh báo khu vực nước sâu tại 100 điểm có nguy cơ cao về đuối nước thuộc 6 xã trên địa bàn huyện Chợ Mới...

Nhằm bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước tác động của dịch COVID-19 và phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ trong mùa hè, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã phối hợp ngành chức năng tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực cho trẻ em tham gia các lớp phổ cập bơi, tăng cường theo dõi, cảnh giác, bảo vệ trẻ em phòng, chống đuối nước trong mùa hè.

Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện phối hợp các ngành chức năng triển khai mô hình “Phấn đấu mỗi xã, thị trấn có 1 hồ bơi công cộng, để rèn luyện sức khỏe cho thanh, thiếu niên và phòng, chống đuối nước ở trẻ em”. Qua đó, đã thực hiện được 27 hồ bơi tại 18 xã, thị trấn, tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. Phối hợp duy trì hoạt động của Tổ phụ nữ không có bạo lực gia đình, yêu thương và chia sẻ đối với phụ nữ và trẻ em, hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện... Thành lập mới 12 mô hình đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em, như: "Phòng, chống xâm hại trẻ em", "Ngôi nhà bình yên", "An toàn cho trẻ em gái trong trường học", "An toàn trong gia đình", "Chúng tôi lắng nghe các em nói và hành động", "Mái ấm an toàn cho phụ nữ và trẻ em"...

Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh An Giang củng cố 272 địa chỉ tin cậy, duy trì thực hiện mô hình điểm của 48 địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh ở cộng đồng tại 138/156 xã, phường, thị trấn. Đồng thời, phát huy vai trò tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và cá nhân uy tín tại địa phương để triển khai hoạt động hiệu quả, hỗ trợ kịp thời và bảo đảm an toàn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.   

HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích