Quang cảnh hội nghị
Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền báo cáo tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu chỉ đạo hội nghị
Báo cáo tại hôi nghị, Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay- chân- miệng đang tăng và diễn biến phức tạp. Tại An Giang, tính đến ngày 5/6/2022, số ca mắc sốt xuất huyết toàn tỉnh là 4.457 ca, tăng 387% (4.457/916 ca) so cùng kỳ năm 2021, tăng 251% (4.457/1.267 ca) so số ca mắc trung bình 5 năm (2016-2020).
Theo đó, 10/11 huyện, thị xã, thành phố (trừ Tri Tôn) có số ca mắc tăng vượt trên 100% so cùng kỳ. Trong đó, 6/11 địa phương tăng trên 500% so cùng kỳ, như: Châu Phú 997% (735/67 ca), Phú Tân 792% (535/60 ca), Tân Châu 1.031% (396/35 ca), An Phú 967% (448/42 ca), Tịnh Biên 780% (387/44 ca), Thoại Sơn 770% (383/44 ca). Đến thời điểm hiện tại, An Giang chưa ghi nhận ca tử vong.
Đối với bệnh tay- chân- miệng, tính đến ngày 5/6/2022, An Giang có 424 ca, giảm 72% so cùng kỳ năm 2021 (1.503 ca); hiện toàn tỉnh có 10/11 huyện, thị xã, thành phố (trừ Tịnh Biên) ghi nhận ca mắc. Đến thời điểm hiện tại, An Giang chưa ghi nhận ca tử vong. Tuy nhiên, bệnh tay- chân- miệng đang có chiều hướng tăng vào những tuần gần đây.
Về tình hình dịch bệnh COVID-19, cơ bản được kiểm soát, qua 6 tháng đầu năm 2022, số ca mắc COVID-19 giảm nhiều so cùng kỳ năm 2021, liên tiếp những ngày gần đây, số ca mắc ghi nhận rất thấp (từ 0-3 ca/ngày).
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của ngành y tế và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành và địa phương khẩn trương kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống..., qua đó, nâng cao ý thức của hệ thống chính trị, người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Sở Y tế sớm có hướng dẫn cụ thể, tổ chức tập huấn về phòng, chống dịch bệnh; xây dựng phác đồ điều trị; chủ động dự báo, đảm bảo nguồn vật tư y tế, thuốc men phục vụ điều trị. Đồng thời, phối hợp các sở, ngành, địa phương đồng loạt ra quân, phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn nguy cơ cao, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ, nhà trẻ mầm non.
Cùng với đó, triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch, không để lan rộng; tập trung triển khai công tác tiêm chủng, tổ chức tốt việc phân tuyến, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh, hạn chế thấp nhất ca tử vong.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp Sở Y tế tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay-chân- miệng và các dịch bệnh trong trường học; thực hiện vệ sinh lớp học, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Kịp thời phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cần đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine và tiếp tục tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức phòng bệnh, tránh chủ quan lơ là, không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”...
DUY ANH