An Giang tăng cường công tác trẻ em năm 2022

21/02/2022 - 05:44

 - UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện các hoạt động công tác trẻ em năm 2022. Kế hoạch nhằm đảm bảo các quyền của trẻ em được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tiếp tục xây dựng môi trường an toàn, thân thiện và ngăn ngừa các nguy cơ gây tổn thương cho trẻ em; xây dựng và phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em đồng bộ.

Theo đó, mục tiêu nhằm đảm bảo các quyền của trẻ em được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo Công ước của Liên Hiệp Quốc và Luật Trẻ em; chủ động phòng ngừa, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ; hỗ trợ phục hồi, hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ bị xâm hại. Kiểm soát và giảm thiểu tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại và tai nạn đuối nước. Huy động mọi nguồn lực để triển khai đồng bộ các hoạt động về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục xây dựng môi trường an toàn, thân thiện và ngăn ngừa các nguy cơ gây tổn thương cho mọi trẻ em; xây dựng và phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em đồng bộ, giảm tối đa tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, tạo cơ hội tốt nhất để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phát triển, tái hòa nhập cộng đồng.

Phấn đấu 70% số trường học có kết nối dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em

Về phát triển toàn diện trẻ em, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em, phấn đấu có 75% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 90% trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện. Phấn đấu giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh dưới 9,5; giảm tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi xuống 12,5; giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi không quá 18,5. Phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng xuống dưới 9%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể chiều cao xuống 19%; giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể béo phì xuống dưới 5% ở nông thôn và dưới 10% đối với thành thị. Duy trì 100% cơ sở giáo dục cho trẻ em có công trình vệ sinh đảm bảo an toàn vệ sinh…

Năm 2022, mục tiêu về bảo vệ trẻ em là giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 6,5%; 83% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp. Giảm 15% số vụ trẻ em bị xâm hại, bạo lực, xâm hại tình dục so với năm 2021; 100% trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục phát hiện được hỗ trợ, quản lý kịp thời. Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5-17 tuổi xuống 4,9%. Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích xuống 550/100.000 trẻ em; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích xuống còn 16/100.000 trẻ em. Đảm bảo 100% trẻ em gặp thiên tai, thảm họa được hỗ trợ kịp thời.

Mục tiêu về giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em là: Phấn đấu 80% trẻ dưới 5 tuổi được phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội. Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 97%. Tỷ lệ trẻ hoàn thành cấp tiểu học đạt 97%; phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ bỏ học bậc tiểu học dưới 0,3%. Tỷ lệ trẻ hoàn thành bậc THCS đạt 88%; phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ bỏ học bậc THCS dưới 1,4%. Phấn đấu 70% số trường học có kết nối dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em. Tỷ lệ trường học có cơ sở hạ tầng và tài liệu phù hợp với học sinh khuyết tật đạt 45%; tỷ lệ trẻ em khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp đạt 70%. Phấn đấu 35% xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em.

Về mục tiêu về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, phấn đấu 30% trẻ em từ 7 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em với các hình thức phù hợp. Có 70% trẻ em được nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ. 30% trẻ từ 11 tuổi trở lên được tham gia vào các mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ.

Tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của Trung ương, địa phương về thực hiện công tác trẻ em giai đoạn 2021-2030. Lồng ghép thực hiện Kế hoạch triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tài trợ tại 9 xã của huyện Châu Phú, Chợ Mới, An Phú và TP. Châu Đốc. Phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam thực hiện dự án “Trẻ em và thanh thiếu niên LGBT tại Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế và dịch vụ xã hội” tại các trường trung cấp nghề và các địa phương (TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc).

Tăng cường công tác truyền thông về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) và đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh An Giang (18008077) để mọi người dân và trẻ em liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Đồng thời, phối hợp trong việc xử lý thông tin, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ trẻ em.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH