An Giang tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa mưa

07/06/2024 - 06:27

 - Sở Y tế An Giang cho biết, hiện số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) giảm 66% so cùng kỳ, nhưng bệnh tay - chân - miệng (TCM) tăng 64% so cùng kỳ 2023 và nằm trong đường dự báo dịch. Tuy nhiên, mùa mưa đang đến, nguy cơ bùng phát dịch SXH rất cao, chuyển tuýp huyết thanh từ D1 sang D2 (dengue 2), dự báo dịch tăng thời gian tới... Do đó, ngành chức năng và người dân cần xử lý tốt ổ dịch, truyền thông phòng, chống dịch, giám sát, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng...

Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, Sở Y tế kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết, tay – chân - miệng tại huyện biên giới

Giám sát tốt ca bệnh

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ đầu năm 2024 đến ngày 31/5, toàn tỉnh có 711 ca mắc SXH, tử vong chưa xảy ra. So lũy tích cùng kỳ năm 2023, số mắc SXH giảm 66%. Đã phát hiện và xử lý 204 ổ dịch SXH trên toàn tỉnh; địa phương có nhiều ổ dịch nhất là: Huyện Châu Phú 35 ổ dịch, TP. Châu Đốc 34 ổ dịch, huyện Chợ Mới 30 ổ dịch...

Bệnh TCM phát hiện 673 ca mắc, tử vong chưa xảy ra. So lũy tích cùng kỳ năm 2023 số mắc TCM tăng 64%. Đã phát hiện và xử lý 22 ổ dịch SXH trên toàn tỉnh; địa phương có nhiều ổ dịch nhất là: Huyện Chợ Mới 10 ổ dịch, huyện Châu Thành 4 ổ dịch, huyện Tri Tôn 2 ổ dịch...

BS.CKII Phạm Quang Quốc Uy, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang cho rằng, SXH, TCM đến nay vẫn nằm trong dự báo dịch là nhờ ngành y tế, cơ quan truyền thông, địa phương, đoàn thể... chủ động các biện pháp truyền thông phòng, chống dịch bệnh, khảo sát thường xuyên các chỉ số muỗi, lăng quăng ở các khu vực nguy cơ dịch bệnh SXH.

Đặc biệt, tích cực phát hiện ca bệnh qua giám sát dựa vào sự kiện (EBS), giám sát dựa vào số liệu báo cáo, để cảnh báo và có biện pháp xử lý. Đồng thời, tích cực giám sát các địa phương xử lý tốt các ổ dịch, phun thuốc diện rộng khi có chỉ định, tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng, chống SXH... liên tục.

Phòng, chống sốt xuất huyết tại cộng đồng

Nhiều địa phương ra mắt mô hình “Tổ tự quản phòng, chống SXH” gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Mô hình tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân cách phòng, chống bệnh; cho các hộ dân đăng ký, cam kết tham gia bảo vệ môi trường, phòng, chống bệnh; thường xuyên kiểm tra diệt lăng quăng xung quanh nhà…

Đồng thời, thực hiện “Mô hình giám sát, tác động chuyển đổi hành vi phòng, chống dịch bệnh SXH”. UBND xã, phường, thị trấn huy động lực lượng đến vãng gia các hộ gia đình hướng dẫn thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, hướng dẫn người dân phát hiện các dụng cụ chứa nước có lăng quăng, tiến hành cọ rửa và đổ, lật úp các dụng cụ chứa nước linh tinh xung quanh nhà. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên đài phát thanh, loa, xe lưu động, khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh.

Theo Sở Y tế An Giang, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Đến nay, bệnh chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Sở Y tế An Giang kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh, như: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên lau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng. Ngủ mùng phòng muỗi đốt, ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà.

Phòng bệnh tay - chân - miệng

BS.CKII Phạm Quang Quốc Uy cho rằng, không chủ quan với bệnh TCM vì năm 2023 có 2 đỉnh dịch, nên vẫn phải tiếp tục tăng cường truyền thông cho các nhà trẻ, mẫu giáo, người chăm sóc trẻ, xử lý tốt ổ dịch nhỏ... Ngành giáo dục tiếp tục phối hợp ngành y tế đẩy mạnh truyền thông phòng bệnh SXH và TCM trong trường học. Tuyên truyền cho học sinh về nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, đường lây và đặc biệt là cách phòng bệnh.

Sở Y tế An Giang cho biết, bệnh TCM chưa có vaccine phòng bệnh. Để phòng chống, người dân và cộng đồng cần chủ động: Rửa tay thường xuyên bằng xà bông dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi...

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh lưu hành và các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa khác có nguy cơ bùng phát trong mùa hè, mùa mưa nhằm hạn chế số ca mắc và tử vong. Đồng thời, ngăn chặn các dịch bệnh mới nổi có nguy cơ phát sinh. Đặc biệt, đẩy mạnh truyền thông tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống, giúp người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

THIÊN THANH