An Giang tăng cường quản lý khoáng sản

01/05/2023 - 06:29

 - Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn An Giang đang từng bước đi vào nền nếp, các đơn vị hoạt động khoáng sản quan tâm thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản; dự án cải tạo phục hồi môi trường được cơ quan chức năng phê duyệt. Các khu mỏ đá đã được lắp đặt trạm cân giám sát khối lượng đá khai thác; các khu mỏ cát sông được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với phương tiện khai thác tại khu mỏ.

Khai thác khoáng sản cát sông

Hàng năm, ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) xây dựng kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và tăng cường kiểm tra, tuyên truyền các quy định liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ TN&MT trong khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang thực hiện 3 phóng sự, 3 tiết mục chính sách pháp luật; Sở TN&MT phối hợp Báo An Giang đăng hơn 30 tin, bài thuộc lĩnh vực TN&MT. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng về lĩnh vực TN&MT…

Trên địa bàn tỉnh có 22 khu mỏ được cấp phép khai thác cho 14 doanh nghiệp (16 khu mỏ cát sông, 6 khu mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường). Năm 2022, các ngành, địa phương tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra, phát hiện 36 trường hợp vi phạm (8 trường hợp khai thác cát sông không phép, 28 trường hợp vận chuyển cát sông không có hóa đơn nguồn gốc hợp pháp), xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng, tịch thu 4 ghe gỗ và 1 tàu hút cát…

Hoạt động thanh, kiểm tra góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nền nếp; tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát sông, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm.

Toàn tỉnh có 875 người tham gia khai thác khoáng sản, thu nhập bình quân 90 triệu đồng/người/năm. Các đơn vị khai thác khoáng sản còn hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, cầu, đường nông thôn, xây mái ấm cho người nghèo… khoảng 17 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, hỗ trợ thiên tai hơn 3,2 tỷ đồng và bảo vệ môi trường trong khai thác.

Đến nay, đề án “Xây dựng hệ thống giám sát khai thác tài nguyên khoáng sản” của tỉnh đã hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống giám sát hành trình, phân quyền truy cập cho các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện nơi có hoạt động khai thác cát sông để theo dõi, giám sát hoạt động của các phương tiện và đơn vị được cấp phép khai thác.

Nhằm tăng cường quản lý, giám sát tại các địa bàn thường xuyên có hoạt động khai thác cát sông trái phép, tỉnh đã lắp đặt 7 camera giám sát tại các khu vực. UBND tỉnh An Giang giao Sở TN&MT tham mưu quyết định ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu giám sát hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt, để làm cơ sở quản lý, xử phạt vi phạm theo quy định.

Theo UBND tỉnh, nguồn cát phục vụ các công trình giao thông trọng điểm của ĐBSCL cũng như tỉnh An Giang đang gặp nhiều khó khăn, do nhu cầu quá lớn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đối với nguồn vật liệu phục vụ các dự án đường bộ cao tốc, tỉnh An Giang đã cố gắng rà soát, phân bổ khối lượng phục vụ dự án và báo cáo Bộ TN&MT. Theo đó, dự kiến hỗ trợ cho tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang - TP. Cần Thơ - tỉnh Hậu Giang), hỗ trợ cho tuyến cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau khoảng 1,1 triệu m3. Thời gian qua, An Giang đã hỗ trợ nguồn cát phục vụ thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ 0,8 triệu m3.

Trong khi đó, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu gia tăng và mở rộng vào các kênh, rạch. Để đánh giá chi tiết hơn việc khai thác cát sông có ảnh hưởng như thế nào đến diễn biến dòng chảy, biện pháp khai thác hài hòa các yếu tố có lợi và giải pháp hạn chế bất lợi, UBND tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ đầu tư kinh phí và có dự án đánh giá tổng thể tuyến sông trên toàn vùng ĐBSCL. Ngoài ra, do khoáng sản cát sông ngày càng cạn kiệt, đề xuất xem xét nguồn vật liệu san lấp để thay thế.

Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, thiết bị khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tỉnh đang triển khai lắp đặt thiết bị giám sát đối với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác. Đề xuất bổ sung quy định các thiết bị phải kết nối tín hiệu đến cơ quan quản lý nhà nước để theo dõi, giám sát và bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp phát hiện vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình.

An Giang cũng đề nghị xem xét, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy định tại Khoản 4 Điều 17 và Điểm b Khoản 1 Điều 31 Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Sản phẩm thu hồi từ dự án nạo vét thông luồng giao thông thủy sẽ được cho đăng ký thu hồi trong quá trình nạo vét hay thực hiện đấu giá đối với khối lượng sản phẩm thu được khi nạo vét. Đề nghị xem xét, chỉnh sửa bổ sung Nghị định 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản phù hợp Luật Đấu giá tài sản năm 2016, đề xuất quy định cụ thể năng lực của đơn vị tham gia đấu giá.

Năm 2022, tổng số tiền thu được do thực hiện nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn An Giang hơn 217 tỷ đồng, gồm: Thuế tài nguyên 140,26 tỷ đồng; phí bảo vệ môi trường 41,49 tỷ đồng; thuế nhu nhập doanh nghiệp 35,68 tỷ đồng. Đối với tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác, đã nộp 22,82 tỷ đồng (so tổng số tiền phải nộp 42,27 tỷ đồng).

HỮU HUYNH