An Giang tăng cường quản lý lĩnh vực xây dựng

29/10/2024 - 06:20

 - Thời gian qua, công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng ở An Giang đi vào nền nếp, ý thức trách nhiệm của người dân và các tổ chức đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị và kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, còn một số tồn tại, bất cập cần khắc phục, xử lý…

Giám đốc Sở Xây dựng An Giang Nguyễn Quốc Cường cho biết, việc phân cấp cho chính quyền các cấp thực hiện cấp giấy phép xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ đầu tư, nhằm giảm thời gian đi lại và rút ngắn thời gian làm thủ tục, góp phần cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng công trình từ cấp II trở lên, các công trình từ cấp III trở xuống phân cấp về cho UBND cấp huyện.

 Toàn tỉnh có khoảng 441 quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã và đang thực hiện đầu tư, quản lý xây dựng theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh có 4 dự án phát triển nhà ở xã hội triển khai thực hiện, với quy mô 5.290 căn hộ, tương đương 449.961m2 sàn nhà ở. Trong đó, có 3 dự án nhà ở xã hội cho các nhóm đối tượng tại TP. Long Xuyên, 1 dự án nhà ở xã hội công nhân Khu công nghiệp Bình Hòa (tại huyện Châu Thành).

Về hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 99,75%. Tỉnh có 2 công trình hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải ở TP. Long Xuyên, quy mô 30.000m3/ngày, đêm và ở TP. Châu Đốc, công suất 5.000m3/ngày, đêm. Tỉnh đã tăng cường quản lý cây xanh đô thị, nghĩa trang và sản xuất vật liệu xây dựng; thực hiện tốt quản lý xây dựng, quản lý kinh tế xây dựng và vật liệu xây dựng, giám định xây dựng… Đồng thời, tăng cường thanh tra xây dựng; đã thực hiện 2 cuộc thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và chấp hành quy định pháp luật về quản lý, vận hành nhà ở chung cư.

Theo Sở Xây dựng, khó khăn hiện nay là các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, đô thị vướng kết luận thanh tra, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai, dẫn đến sản phẩm bất động sản trên địa bàn tỉnh gần như bị dừng lại. Tương tự, các dự án phát triển nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại, khu đô thị cũng không thể triển khai. Do vậy, sẽ khó đạt mục tiêu của đề án nhà ở xã hội. Công tác triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo (huyện Tri Tôn) còn chậm, do nhiều nguyên nhân.

An Giang hiện có 22 đô thị (1 đô thị loại I là TP. Long Xuyên, 1 đô thị loại II là TP. Châu Đốc, 1 đô thị loại III là TX. Tân Châu, 7 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến nay 43,63%. Theo Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025, công nhận thêm 2 đô thị mới là Cần Đăng (huyện Châu Thành), Hòa Lạc (huyện Phú Tân) và cùng với nâng loại các đô thị hiện hữu, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt trên 45% (vượt so Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, với tỷ lệ 43%).

Bên cạnh đó, do thiếu nguồn lực, nên một số đô thị chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật; nhất là hạ tầng thu gom và xử lý nước thải, dẫn đến môi trường đô thị bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Đây là những tiêu chí còn thiếu khi các đô thị được cấp thẩm quyền công nhận loại đô thị. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép, xây dựng nhà ở trên sông, kênh, rạch vẫn còn xảy ra ở một số địa phương…

Để khắc phục tồn tại, hạn chế và tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự, kỷ cương đối với công tác quản lý nhà nước về cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các văn bản, quy định trong công tác quản lý cấp phép xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng để tham mưu UBND tỉnh ban hành, điều chỉnh phù hợp. Tập trung triển khai thực hiện các quy định pháp luật mới về đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh bất động sản; về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư theo ngành, lĩnh vực. Đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc pháp lý đối với các dự án kinh doanh bất động sản.

Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng không phép, trái phép. Đồng thời, quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo các công trình được xây dựng theo đúng quy hoạch được duyệt và giấy phép xây dựng được cấp; tăng cường thanh, kiểm tra công tác cấp phép xây dựng và công tác quản lý trật tự xây dựng. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng; cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực cấp phép xây dựng; chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng số trong quản lý đô thị và quản lý trật tự xây dựng. Đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất, để triển khai các dự án trọng điểm, các dự án xây dựng khu, cụm công nghiệp, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự, cảnh quan đô thị.

Sở Xây dựng đang phối hợp địa phương rà soát, điều chỉnh các cụm - tuyến dân cư; tổ chức kiểm tra tình hình quản lý, bố trí dân cư vào ở trong các cụm - tuyến dân cư vượt lũ; hoàn chỉnh đề án đầu tư các khu, cụm tuyến dân cư, để di dời dân từ vùng sạt lở. 

HẠNH CHÂU