Nhằm tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho người dân và DN, Bộ Tài chính phê duyệt triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (từ ngày 21/11/2021) áp dụng tại 6 tỉnh, thành phố, gồm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ. Giai đoạn 2 triển khai từ tháng 4/2022, tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.
UBND tỉnh An Giang thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng phương án triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại địa phương. Theo kế hoạch do UBND tỉnh An Giang ban hành, mục tiêu đề ra là đến hết ngày 31/5 đạt tối thiểu 70% DN, tổ chức kinh tế, đơn vị hành chính sự nghiệp và 60% hộ, cá nhân kinh doanh (đủ điều kiện) sử dụng hóa đơn điện tử; đến hết ngày 30/6 đạt 100% DN, tổ chức kinh tế, đơn vị hành chính sự nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh (đủ điều kiện) áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, Cục Thuế tỉnh An Giang ban hành kế hoạch chi tiết triển khai đến Chi cục Thuế địa phương. Đồng thời, tập huấn chính sách hóa đơn điện tử cho cán bộ thuế, người nộp thuế; chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện việc lập, chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế, gửi hóa đơn điện tử và các nội dung khác về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử cho người mua.
Cục Thuế tỉnh An Giang và Chi cục Thuế địa phương rà soát, phân loại người nộp thuế là DN, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh theo quy định để thông báo nội dung cần thiết. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp từng đối tượng DN, người nộp thuế, nhằm phổ biến những lợi ích của hóa đơn điện tử, nội dung mới của hóa đơn điện tử theo quy định tại Luật Quản lý thuế để người dân, DN hiểu, áp dụng.
Thực hiện nghi thức công bố hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc tại Cục Thuế tỉnh An Giang
Cục Thuế tỉnh An Giang đã phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai hóa đơn điện tử đối với ngành thuế và đội ngũ người công tác trong ngành thuế của tỉnh. Đồng thời, giao nhiệm vụ, yêu cầu các phòng thuộc Cục Thuế tỉnh An Giang, Chi cục Thuế đảm bảo chỉ tiêu được giao về việc đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Từng đơn vị giao chỉ tiêu áp dụng hóa đơn điện tử đối với mỗi cán bộ, công chức thuế; phân công trực đường dây nóng để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của người nộp thuế trong quá trình chuyển đổi sang áp dụng hóa đơn điện tử.
Theo Cục Thuế tỉnh An Giang, trong bối cảnh mọi DN đều đặt mục tiêu cắt giảm chi phí sản xuất và chi phí hoạt động để nâng cao năng lực cạnh tranh, thì việc sử dụng hóa đơn điện tử là một giải pháp hữu hiệu. Khi thực hiện, các DN có thể đối chiếu, kiểm tra một cách chính xác nhất số thuế phải nộp và hóa đơn điện tử phát hành, tiết giảm chi phí in ấn, bảo quản, lưu giữ hóa đơn. Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc áp dụng hóa đơn điện tử cũng thuận lợi trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giảm chi phí, chống được nạn hóa đơn giả và chống hoàn thuế không đúng đối tượng.
Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua; hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế. Trước khi sử dụng hóa đơn điện tử, đối với người nộp thuế theo phương pháp kê khai phải đăng ký sử dụng với cơ quan thuế (Điều 15, Nghị định 123/2020/NĐ-CP), được cơ quan thuế gửi thông báo điện tử qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử hoặc gửi thông báo điện tử trực tiếp về việc chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.
Đối với người nộp thuế theo phương pháp khoán thì cần gửi đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh; phải kê khai, nộp thuế cho phần phát sinh của hóa đơn trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn.
|
P.V