Nuôi vẹm xanh ở Miệt Thứ

18/07/2025 - 08:07

 - Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở các xã ven biển vùng Miệt Thứ như Đông Thái, Tây Yên phát triển kinh tế gia đình nhờ nuôi vẹm xanh. Mô hình này ít vốn đầu tư, lợi nhuận khá.

Ông Võ Văn Sơn, ngụ ấp Sáu Biển, xã Đông Thái theo dõi sự phát triển của vẹm xanh

Ông Võ Văn Sơn (64 tuổi), ngụ ấp Sáu Biển, xã Đông Thái, nuôi vẹm xanh trên bãi bồi hơn chục năm. Năm 2021, ông vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng diện tích nuôi. Sau một vụ thu hoạch, ông không chỉ trả hết nợ mà còn tích lũy vốn tái đầu tư. Nhờ mô hình nuôi vẹm xanh, đời sống kinh tế gia đình ông Sơn ngày càng khấm khá. Hiện ông và một số hộ hợp tác thuê mặt nước bãi bồi, đóng hơn 4.000 cọc tràm trải dài khoảng 500m, treo 700 túi lưới để nuôi vẹm xanh. Mỗi túi lưới cho thu hoạch từ 50 - 100kg vẹm. “Dịp Tết Nguyên đán năm 2025, gia đình tôi thu hoạch hơn 6 tấn vẹm xanh, bán với giá 40.000 đồng/kg, lãi gần 200 triệu đồng. Vẹm to, chắc thịt, được nhiều người ưa chuộng, thậm chí không đủ hàng bán dịp tết", ông Sơn phấn khởi chia sẻ.

Theo ông Sơn, thức ăn của vẹm là sinh vật phù du dưới nước. Vẹm thường sinh sản tự nhiên, bà con có thể lấy giống về, sau đó nuôi treo trên các bầu nuôi. Vật liệu lấy giống thường là bao nylon, túi lưới treo từng hàng, tạo thành giàn theo cọc tràm độ sâu khoảng 1,2m, tạo điều kiện thuận lợi cho ấu trùng vẹm bám vào sinh sống. Thời gian đón giống từ cuối tháng 2 đến hết tháng 4. “Người dân đem vẹm giống về nuôi thêm vài tháng, sau đó tách vẹm ra thành từng túi treo lên các cọc tràm để tiếp tục nuôi. Thời gian nuôi vẹm đến khi thu hoạch mất khoảng 1 năm. Tháng 11, 12 âm lịch là thời điểm thu hoạch. Nuôi vẹm không cần can thiệp nhiều", ông Sơn nói.

Anh Nguyễn Văn Trăng, cùng ngụ ấp Sáu Biển, bắt đầu nuôi vẹm từ năm 2018, đến nay đã có 7 năm kinh nghiệm. Nhận thấy vẹm xanh dễ nuôi, giá bán ổn định, anh thuê gần 6ha mặt nước bãi bồi để phát triển mô hình. Mỗi năm, anh thu hoạch hơn 5 tấn vẹm. Anh Trăng lưu ý, vào mùa mưa khi độ mặn thấp, phải hạ giá thể nuôi xuống khoảng 0,2m để vẹm không tiếp xúc với đáy bùn, giảm hao hụt. Anh chia sẻ: “Tôi đầu tư 30 triệu đồng đóng cọc tràm. Giàn nuôi năm nay giúp tôi thu hoạch cao. Với giá bán từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí vẫn có lời khá”.

Không chỉ mang lại thu nhập, mô hình nuôi vẹm xanh còn tạo việc làm tại chỗ. Nhiều hộ tạo việc làm ổn định cho 5 - 7 người. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thái Võ Thi Nhanh cho biết, toàn xã có khoảng 20 hộ nuôi vẹm xanh. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế, chi phí đầu tư không cao, ít tốn thời gian chăm sóc và ít hao hụt hơn so với nuôi sò huyết. Thời gian tới, xã sẽ thành lập chi hội nông dân nuôi vẹm xanh để tiếp cận nguồn vốn vay, mở rộng mô hình, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình.

Bài và ảnh: TIỂU ĐIỀN