An Giang tập trung kiểm soát bệnh sốt xuất huyết

13/06/2022 - 06:29

 - Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng, năm nay là năm chu kỳ SXH diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng. Ngành y tế An Giang yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống để đảm bảo sức khỏe nhân dân, không để “dịch chồng dịch”.

Ngay từ đầu mùa khô, ngành y tế và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy dựa vào cộng đồng, vệ sinh môi trường và phun hóa chất xử lý ổ dịch ngay khi có ca mắc, không để bùng phát. Cùng với các hoạt động giám sát, kịp thời khống chế các ổ dịch SXH xảy ra trên địa bàn, tăng cường tuyên truyền về cách phòng bệnh SXH.

Ngành y tế An Giang đã hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực bác sĩ, điều dưỡng tham gia điều trị SXH về phác đồ cấp cứu, điều trị và cán bộ phòng, chống dịch tuyến xã, phường, thị trấn về công tác phát hiện, xử lý ổ dịch. Tập trung phân tuyến, phân luồng, tránh quá tải khi có nhiều bệnh nhân cùng lúc và dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Tổ chức tốt công tác thu dung, chăm sóc và điều trị, tránh để bệnh nhân chuyển độ nặng, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong do SXH.

Điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang

Theo cảnh báo của ngành y tế, SXH là bệnh lưu hành quanh năm, giai đoạn cao điểm của bệnh thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau. Đây là giai đoạn thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát bệnh. Đối tượng mắc SXH không chỉ ở trẻ nhỏ, mà cả ở người trưởng thành.

Bệnh gây xuất huyết ngoài da, nóng, sốt… ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, trường hợp bị “sốc” nếu không kịp thời đưa đến bệnh viện thì nguy cơ tử vong rất cao. Quan ngại nhất hiện nay là dịch COVID-19 vẫn còn tồn tại, nên nhiều người dễ nhầm lẫn giữa nhiễm COVID-19 với SXH. Do đó, nếu có dấu hiệu như ho, sốt… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh SXH biến chứng nguy hiểm (thường từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7), trẻ có xu hướng giảm sốt, nhưng xuất hiện các dấu hiệu: Đột nhiên đau bụng, đau bụng vùng gan và cảm giác đau tăng dần; bồn chồn trong người, vật vã, li bì; số lần và số lượng đi tiểu giảm hơn; chảy máu chân răng, mũi, niêm mạc, nội tạng; đi ngoài ra máu, nôn ra máu; giảm tiểu cầu nặng; da xung huyết, dễ bị bầm tím khi va đập; sốc giảm thể tích, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan… Do đó, cha mẹ cần chú ý phát hiện các dấu hiệu trở nặng của SXH ở những trường hợp này để kịp thời thông báo bác sĩ hoặc cho trẻ nhập viện để theo dõi điều trị.

Theo Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, số ca mắc SXH tăng 365% so cùng kỳ năm 2021 (3.916/843 ca). Trong đó, nhiều nhất là các huyện: Châu Phú (656 ca), Chợ Mới (579 ca), Phú Tân (471 ca)… Để phòng bệnh SXH, ngành y tế đã phối hợp các địa phương tổ chức diệt lăng quăng, diệt muỗi, đồng thời tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế, như: Ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt (ngay cả ban ngày); chống muỗi đốt bằng cách xịt thuốc muỗi, giữ cho nhà cửa sạch sẽ, khô thoáng; vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm quanh nhà, đậy kín thùng trữ nước, dọn dẹp vật dụng chứa nước (chai, lọ, lu, thùng...) xung quanh nhà, không để phát sinh lăng quăng/bọ gậy sẽ không có muỗi gây bệnh SXH.

Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hiền yêu cầu ngành y tế tăng cường giám sát, phát hiện và xử trí triệt để ổ dịch SXH và phòng ngừa bệnh tay - chân - miệng (do xuất hiện nhiều ca mắc mới). Dịch COVID-19 hiện vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, các nhà trẻ, mẫu giáo tổ chức học bán trú tập trung, cần phải quan tâm để tránh nguy cơ dịch lây lan, bùng phát gây tình trạng “dịch chồng dịch”. Tăng cường giám sát và kiểm soát véc-tơ gây bệnh truyền nhiễm, như: Chikungunya, Dengue và Zika. Rà soát, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, hóa chất, nhân lực để đáp ứng kịp thời trong công tác phòng, chống dịch bệnh...

Cùng với đó, tăng cường giám sát các dịch bệnh: Bạch hầu, tiêu chảy do virus Rota, viêm não, ho gà, dại, sốt phát ban... để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh và xử lý dịch kịp thời. Nhất là, tăng cường giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo ngành y tế, dịch bệnh SXH và COVID-19 khi khởi phát thường có những biểu hiện tương đối giống nhau và dễ gây nhầm lẫn (sốt, đau đầu, mỏi người, ớn lạnh), tuy nhiên khác nhau ở các triệu chứng đi kèm và diễn biến của sốt. Đối với SXH, có các biểu hiện: Sốt cao đột ngột, liên tục từ 39-40oC trong 2-7 ngày liền; chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau bụng; ban xung huyết hoặc xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm chỗ tiêm, chảy máu cam, nôn ra máu.

Đối với COVID-19, sốt từ 37,5oC trở lên, ở trẻ em khởi phát thường sốt cao từ 38,5oC trở lên trong 2 ngày đầu, sau đó tự hết sốt; đau đầu, đau họng, đau cơ hoặc đau cả người; cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi; ho, hụt hơi hoặc khó thở; mất vị giác hoặc khứu giác; ngạt mũi hoặc chảy nước mũi; các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng)… Người dân cần chú ý phân biệt để tránh nhầm lẫn.

HỮU HUYNH