An Giang tập trung ứng phó mùa mưa, bão

08/05/2023 - 06:51

 - Mùa khô năm nay, diễn biến nắng nóng kéo dài, gay gắt, thiếu hụt mưa so năm 2022. Dự báo khi mùa mưa bão đến, diễn biến thời tiết rất phức tạp. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân, cũng như tài sản của nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, cần chủ động ứng phó từ sớm, từ xa, huy động lực lượng ứng trực vào thời gian cao điểm.

Thời tiết nguy hiểm

Dù chỉ mới xuất hiện vài cơn mưa trái mùa nhưng đã gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân. Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự (ƯPBĐKH-PCTT&PTDS) tỉnh An Giang Lương Huy Khanh cho biết, chiều 27/4/2023, chỉ với một trận mưa lớn kèm theo giông, lốc đã làm thiệt hại 10 căn nhà của người dân trên địa bàn huyện Châu Phú và TP. Châu Đốc.

Cụ thể, xã Vĩnh Châu (TP. Châu Đốc) có 1 căn nhà bị sập hoàn toàn, 3 căn tốc mái một phần và xiêu vẹo  Ở huyện Châu Phú, xã Mỹ Phú có 1 căn tốc mái hoàn toàn; xã Bình Chánh 1 căn tốc mái hoàn toàn; xã Ô Long Vĩ có 3 căn tốc mái hoàn toàn, 1 căn tốc mái một phần và xiêu vẹo. Ban Chỉ huy ƯPBĐKH-PCTT&PTDS các địa phương đã đến thăm hỏi, động viên các hộ dân có nhà bị thiệt hại do mưa giông; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống.

Mưa giông làm nhà dân tốc mái

Đến giờ, người thân trong gia đình anh P.V.H (sinh năm 1981, tổ 1, ấp Bình Phú 1, xã Phú Bình, huyện Phú Tân) vẫn chưa hết bàng hoàng, đau đớn với sự việc xảy ra chiều 28/4. Hôm đó, anh H. đi làm đồng ở tổ 11, ấp Phú Quới (xã Phú Thành, huyện Phú Tân). Hơn 17 giờ thì có cơn mưa lớn ập đến kèm theo sét, anh H. chưa kịp tìm nơi trú ẩn thì bị sét đánh tử vong ngay tại ruộng.

Đây không phải là lần đầu tiên huyện cù lao Phú Tân có người chết do sét đánh trúng. Thống kê năm 2022, trong số 6 người bị ảnh hưởng do thiên tai, huyện Phú Tân có 2 người bị sét đánh chết; huyện Châu Phú có 3 người bị thương, huyện Chợ Mới có 1 người bị thương do giông lốc.

Theo Ban Chỉ huy Ứng phó ƯPBĐKH-PCTT&PTDS tỉnh, năm 2022, tổng thiệt hại do thiên tai trên địa bàn An Giang hơn 34,1 tỷ đồng (thiệt hại do sạt lở hơn 3,23 tỷ đồng; thiệt hại do mưa, giông, lốc, sét 31,41 tỷ đồng). Dự báo, tình hình thiệt hại năm 2023 cũng khá lớn khi thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp.

Theo dõi chặt chẽ

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, mùa mưa năm 2023 trên địa bàn tỉnh có khả năng bắt đầu vào giữa tháng 5. Tổng lượng mưa tháng 4-5 phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN); tháng 6-7 xấp xỉ và cao hơn TBNN; tháng 8-10 xấp xỉ và thấp hơn khoảng 5-15% so TBNN. Khả năng sẽ có 1-2 đợt giảm mưa trong mùa mưa vào tháng 8-9, nhưng sẽ là những đợt giảm mưa không rõ ràng, mưa vẫn còn xảy ra ở một vài nơi.

“Đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: Giông, sét, lốc, đặc biệt là thời kỳ chuyển mùa, bắt đầu mùa mưa, sau các đợt giảm mưa và ngập lụt, úng trong các đợt mưa lớn diện rộng, mưa lớn cục bộ trong các tháng cao điểm mùa mưa” - ông Ninh cảnh báo.

Dự báo, từ tháng 5-7/2023, lượng dòng chảy sông Mekong về hạ lưu tăng dần; từ tháng 8-10 là thời kỳ mùa lũ trên sông Mekong. Ở đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước thấp nhất trong mùa khô có khả năng xuất hiện vào giữa tháng 5, thấp hơn TBNN từ 0,1-0,2m.

Từ tháng 7-8, mực nước trên các sông, kênh, rạch có xu thế lên dần. Mực nước cao nhất năm ở đầu nguồn có khả năng ở mức xấp xỉ báo động (BĐ) 1, thấp hơn đỉnh lũ năm 2022 và TBNN khoảng 0,3-0,5m. Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, đỉnh lũ khả năng trên BĐ1, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,1-0,4m.

Vùng hạ lưu sông, mực nước cao nhất trên sông Vàm Nao tại Vàm Nao và trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới có khả năng ở mức BĐ1-BĐ2; trên sông Hậu tại Long Xuyên ở mức trên BĐ3 từ 0,1-0,2m. Đỉnh lũ các vùng ở An Giang khả năng xuất hiện từ cuối tháng 9 đến nửa đầu tháng 10/2023.

“Các địa phương cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo, đề phòng tình hình khí tượng thủy văn diễn biến phức tạp và có các biện pháp chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai” - ông Ninh lưu ý.

Đảm bảo “4 tại chỗ”

Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư (Trưởng ban Chỉ huy ƯPBĐKH-PCTT&PTDS tỉnh) yêu cầu tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ huy ƯPBĐKH-PCTT&PTDS các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn (mực nước, độ mặn, nắng nóng, mưa, bão, lũ…) để chủ động ứng phó.

Các ngành chuyên môn, địa phương kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập bị sự cố, hư hỏng, sạt lở sau mùa mưa, lũ; xác định các trọng điểm xung yếu để chủ động sửa chữa, cải tạo, gia cố khắc phục thiệt hại kịp thời. Các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, kể cả các tuyến kênh, rạch; kịp thời phát hiện để có hướng xử lý kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động di dời người dân, nhà ở đến nơi an toàn khi có dấu hiệu răn nứt, sụt lún, nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân.

Các sở, ngành, địa phương rà soát, cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó tương ứng với từng loại hình thiên tai, các cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với diễn biến thiên tai trong thời gian gần đây. Trong đó, đặc biệt củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã; tăng cường vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai và lực lượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn các cấp, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong mùa mưa, bão, lũ, Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự các cấp chỉ đạo tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định, kịp thời xử lý các tình huống khi xảy ra thiên tai; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, sẵn sàng ứng cứu theo phương châm “4 tại chỗ”.

NGÔ CHUẨN