An Giang tập trung ứng phó sạt lở, biến đổi khí hậu

16/08/2023 - 06:45

 - An Giang là tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, với hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và những tác động của việc khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn nên An Giang thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ, giông, lốc, sét, hạn, kiệt, mưa trái mùa và sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch.

Theo Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh, từ đầu năm đến nay, thiên tai gây thiệt hại khoảng 11,4 tỷ đồng, trong đó 1 người chết (do sét); mưa, giông lốc xảy ra 29 vụ, sập và tốc mái 248 căn nhà; 9.585ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị ngập, đổ ngã và thiệt hại nhiều tài sản (tốc mái, sập nhà kho, nhà máy, đổ ngã trụ điện…). Toàn tỉnh xảy ra 70 vụ sạt lở, răn nứt, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch (tăng hơn 2 lần so cùng kỳ năm 2022), với tổng chiều dài 3.391m, ảnh hưởng 95 căn nhà…

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm, để chủ động công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ở các địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó, triển khai tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) nên công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại được khẩn trương, góp phần ổn định đời sống Nhân dân.

Đưa rước học sinh đi học trong mùa lũ ở xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú)

Nhằm hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở cần di dời khẩn cấp đến nơi ở ổn định, năm 2022, tỉnh đã cho chủ trương sử dụng từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai, với kinh phí gần 2,38 tỷ đồng để hỗ trợ 355 hộ dân khắc phục thiệt hại do giông lốc, sạt lở đất trên địa bàn các huyện: Chợ Mới, An Phú, Phú Tân, TX. Tịnh Biên, TX. Tân Châu, TP. Long Xuyên; gia cố công trình sạt lở ở huyện Châu Thành, TX. Tịnh Biên, TP. Long Xuyên. Được Trung ương hỗ trợ, tỉnh triển khai 2 dự án kè, với tổng kinh phí 250 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã cho chủ trương sử dụng kinh phí hơn 146 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để gia cố sạt lở các tuyến kênh, rạch trên địa bàn tỉnh...

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) An Giang Võ Bình Thư cho biết, thời gian qua, sở chỉ đạo các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc về những nguy cơ và tác hại của thiên tai, lũ lụt. Thông qua các môn học chính khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa khác, đã lồng ghép, cung cấp cho học sinh các kiến thức về BĐKH và những tác động đối với cuộc sống con người.

Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường triển khai phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn, như: Phòng, chống, ứng phó BĐKH và khắc phục hậu quả do bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, mưa lớn, sạt lở đất do thiên tai gây ra; chuẩn bị các điều kiện cần thiết và diễn tập theo phương án đã được phê duyệt; luôn quán triệt và thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

Đồng thời, tăng cường thông tin, nâng cao nhận thức cán bộ, viên chức, học sinh, phụ huynh về ý thức phòng, chống rủi ro thiên tai; nâng cao năng lực tự tổ chức ứng phó sự cố thiên tai trong các trường; phổ biến, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai đến cán bộ, công chức, viên chức và học sinh…

Sở GD&ĐT An Giang yêu cầu tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp dạy bơi cho học sinh, đưa nội dung dạy vào chương trình bơi chính khóa và ngoại khóa. Ở khu vực đầu nguồn còn tổ chức đưa rước học sinh đến trường vào mùa lũ, nhằm đảm bảo an toàn cho các em…

Sạt lở bờ Bắc kênh Rạch Giá - Long Xuyên (thuộc tổ 15, ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên)  

Trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 725 trường học, gồm 197 trường mầm non - mẫu giáo, 319 trường tiểu học, 155 trường THCS và 53 trường THPT; mạng lưới trường lớp được phân bố rộng khắp, đảm bảo khoảng cách đi lại của học sinh. Hầu hết các điểm trường đều được xây dựng kiên cố, riêng tại các điểm trường quy mô lớn có bố trí hệ thống phòng cháy, chữa cháy, chống sét, hệ thống bếp ăn, nước sạch, đảm bảo vừa là nơi học tập, vừa là nơi tránh trú khi xảy ra thiên tai.

Gần đây, tác động của BĐKH nói chung và khai thác, sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn, tình hình thiên tai ở ĐBSCL nói chung và trên địa bàn An Giang diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ và quy mô tác động đến dân cư, công trình hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, như: Hạn kiệt nguồn nước, mưa kèm giông lốc, sét, sạt lở đất bờ sông...

Tình hình sạt lở đất bờ sông ngày càng tăng về số lượng và quy mô. Đặc điểm truyền thống của ĐBSCL là dân cư sống ven theo bờ sông, kênh, rạch nên ảnh hưởng rất lớn, phải di dời người dân ra khỏi khu vực sạt lở. Việc đầu tư các cụm, tuyến dân cư phòng tránh thiên tai, để di dời tái định cư các hộ dân còn rất hạn chế. Trong khi nhu cầu cụm, tuyến dân cư để bố trí cho các hộ dân khu vực sạt lở rất lớn.

Tại An Giang, có 13.070 hộ sống trong vùng chịu rủi ro thiên tai cao phải di dời, với 51.080 nhân khẩu, trong đó có 10.651 hộ, với 41.545 nhân khẩu nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch. Làm việc với Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, An Giang kiến nghị Trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút, khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý công trình phòng, chống thiên tai; xã hội hóa xây dựng các cụm, tuyến dân cư để bố trí di dời các hộ dân ở khu vực sạt lở. Đồng thời, xem xét hỗ trợ kinh phí để xử lý các khu vực sạt lở và đầu tư xây dựng cụm, tuyến để di dời dân cư bị ảnh hưởng sạt lở, thiên tai, với 14 dự án (11 dự án kè, 3 cụm tuyến dân cư), kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng....

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đánh giá cao công tác ứng phó BĐKH và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh An Giang. Đồng thời, ghi nhận và sẽ có báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia và các bộ, ngành xem xét, giải quyết các kiến nghị của tỉnh

 

 

HỮU HUYNH