An Giang thúc đẩy chuyển đổi số

11/04/2023 - 06:56

 - Với chủ đề chuyển đổi số năm 2023: “Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, cơ quan nhà nước trên địa bàn An Giang tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Vì người dân và doanh nghiệp

Trong thời đại công nghệ 4.0, cùng với cả nước, An Giang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo bước đột phá về chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền và hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người dân, DN, tỉnh tiếp tục tạo ra những tiện ích mới, tối ưu để phục vụ giải quyết thủ tục trực tuyến và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nâng cao hiệu quả cung cấp tiện ích phục vụ KTXH, nhất là ở lĩnh vực du lịch, tài nguyên - môi trường, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, năm 2023, tỉnh tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số với các định hướng trọng tâm, như: Người dân, DN chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; DN được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để phục vụ SXKD; cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp; nghiên cứu, phát triển, thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, phục vụ người dân và DN tốt hơn.

Các mục tiêu cụ thể

Về phát triển chính quyền số, tỉnh phấn đấu 100% dịch vụ công (đủ điều kiện) cung cấp trực tuyến; 40% thông tin người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; 30% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 60% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về KTXH phục vụ sự chỉ đạo, điều hành trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh (LRIS); đồng thời được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 80% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định và hoạch định chính sách, kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin; 80% cơ quan nhà nước tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Phấn đấu có 60% người dân, DN hài lòng với các dịch vụ số của chính quyền số tỉnh An Giang cung cấp; nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, DN, góp phần tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân; 20% người dân và DN tham gia hệ thống thông tin Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; 50% hồ sơ giải quyết trực tuyến; 40% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN…

Tỉnh phấn đấu kinh tế số đạt từ 5-6% GRDP; tỷ trọng kinh số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 6%; 80% sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có mặt trên sàn thương mại điện tử; 40% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; trên 40% người dân biết sử dụng điện thoại thông minh vào khai thác các ứng dụng nền tảng phục vụ SXKD; 100% DN sử dụng hóa đơn điện tử; 30% DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 60% DN sử dụng hợp đồng điện tử; năng suất lao động tăng 7%; phát triển có hiệu quả không gian số tỉnh An Giang (ispace.angiang.vn).

Về phát triển xã hội số, tỉnh phấn đấu 100% hộ gia đình có địa chỉ số; 70% người dân, DN được trang bị kỹ năng số và các quy tắc ứng xử trên môi trường số; người dân có thể tham gia hoạt động học tập, lao động, sản xuất, đời sống và sinh hoạt trên môi trường số; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; 70% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; 85% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 75% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng…

Để đạt những mục tiêu trên, các cấp, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị trong tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, DN. Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, DN. Nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số vào triển khai chuyển đổi số, như: Điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối…

Đặc biệt, thực hiện các giải pháp thu hút nguồn nhân lực, vì đây là giải pháp quan trọng, cốt lõi để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số. Tăng cường hoạt động hợp tác về chuyển đổi số, trong đó có hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Đồng thời, phối hợp các DN viễn thông, DN công nghệ thông tin trong và ngoài tỉnh triển khai các chương trình, dự án, đề án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi trên địa bàn An Giang.

Năm 2022, Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố, với 6.517 thành viên. Tỉnh đã xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến theo xu hướng quốc tế cho các sản phẩm chủ lực của An Giang. Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các địa phương, trường học, cơ sở y tế, bệnh viện trong tỉnh… Triển khai hệ thống trả lời thủ tục hành chính tích hợp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh hỗ trợ phục vụ người dân, DN giải đáp thắc mắc trong quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến...

THU THẢO

 

Liên kết hữu ích