An Giang thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ

03/11/2022 - 06:56

 - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở An Giang đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), giữ vững quốc phòng - an ninh.

Thực hiện công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, An Giang là một trong số ít các địa phương ban hành sớm kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định nguồn lực cụ thể để thực hiện các mục tiêu, với tổng kinh phí 19,1 tỷ đồng.

Công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quan tâm chú trọng. Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh với nhiều hình thức, thu hút sự quan tâm của người dân.

Mỗi năm, tuyên truyền trên 20.000 cuộc, từ 50-100 người tham dự/cuộc. 100% các văn bản hướng dẫn có nội dung liên quan bình đẳng giới được triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức và địa phương; mỗi năm, tổ chức 10-15 lớp, cho trên 1.000 đại biểu tham dự.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Văn Ly cho biết, công tác cán bộ nữ được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chú trọng, từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến khâu bố trí, đề bạt cán bộ nữ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị, nhất là cấp phó phòng khá dồi dào và có triển vọng phát triển tốt.

Hiện, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang có 8/49 người là nữ, chiếm 16,3%; đại biểu Quốc hội có 2/9 người là nữ, chiếm 22,22%; HĐND cấp tỉnh có 11/61 đại biểu nữ, chiếm 18,03%. HĐND cấp huyện có 94/373 nữ (chiếm 25,20%, trong đó 2/11 huyện đạt 30% cơ cấu nữ là Châu Phú, Chợ Mới); HĐND cấp xã có 1.141/4.060 nữ (chiếm 28,10%, trong đó, 63/156 cơ sở đạt 30% cơ cấu nữ).

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa, chúc mừng các nữ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh

Phụ nữ tham gia vào vị trí quản lý lãnh đạo trong Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020-2025: Tỷ lệ nữ tham gia lĩnh vực chính trị giai đoạn 2021-2025 tăng 3-5% so giai đoạn 2016-2020. Nhiều phụ nữ trở thành những gương mặt tiêu biểu về lao động giỏi, lao động sáng tạo, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo và thầy thuốc giỏi... Đặc biệt, vai trò phụ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị ngày càng được khẳng định và quan tâm.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình biểu dương sự đóng góp của cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý tỉnh, dù công tác ở những cơ quan, đơn vị khác nhau, nhưng các cán bộ nữ chủ chốt đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp chung vào những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

“Không chỉ “giỏi việc nước”, đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ còn là những người “đảm việc nhà”, giữ gìn hạnh phúc mái ấm gia đình, nuôi dạy con cái trở thành những công dân có ích cho xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao...” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ghi nhận.

Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ An Giang ngày càng khẳng định bản lĩnh và vị thế của giới mình. Số doanh nghiệp do nữ giới lãnh đạo, điều hành, quản lý thành công ngày càng tăng, thể hiện sự phấn đấu, trưởng thành của phụ nữ, đồng thời khẳng định bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế. “Các nữ doanh nhân đã góp phần tích cực đưa nền kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy biểu dương.

Công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tỉnh chú trọng. Tỉnh An Giang đã triển khai nhiều mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, như: Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cộng đồng; trung tâm cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới… Năm 2022, đã nhân rộng thêm 9 địa chỉ tin cậy,  nhà tạm lánh ở các xã nông thôn mới; đến nay, toàn tỉnh có 79 mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, An Giang kiến nghị Trung ương quan tâm hoàn thiện chính sách, pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên đến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, khắc phục hạn chế, rào cản từ thể chế; quan tâm các chính sách dành cho lao động nữ yếu thế. Đề xuất các chính sách, pháp luật tăng các quy định thúc đẩy chia sẻ gánh nặng công việc nội trợ và chăm sóc gia đình giữa nam giới và nữ giới. Tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới, tạo điều kiện cùng vợ chăm sóc con...

An Giang đặt mục tiêu các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75%. Trong đó, đại biểu Quốc hội có 2/9 người là nữ, chiếm 22,2%; HĐND cấp tỉnh có nữ chiếm 18,03%; HĐND cấp huyện có nữ chiếm 25,2%; HĐND cấp xã có nữ chiếm 28,1%…

 

HẠNH CHÂU