Tuyên truyền chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đến tận nhà dân
Các chỉ tiêu cơ bản tỉnh hướng tới: Dân số trung bình năm 2022 đạt 1.909.507 người; tỷ suất sinh 15,76‰; mức giảm tỷ suất sinh 0,03‰; tổng tỷ suất sinh 1,94 con/phụ nữ. Phấn đấu tỷ số giới tính khi sinh 108,74 trẻ em trai/100 trẻ em gái; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại 68,8%. Riêng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 8,2%.
Điều chỉnh mức sinh (+/-CBR): + 0,2‰ so với năm 2021; tỷ lệ bà mẹ được sàng lọc trước sinh: 35% (10.534 phụ nữ mang thai); tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh 58% (17.457 trẻ sơ sinh); tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, tăng 15% so năm 2021 (25.990 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ).
Phấn đấu tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tăng 10% so năm 2021 (13.800 cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe). Số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại trong năm 173.400 người.
Để thực hiện đạt các chỉ tiêu, UBND tỉnh An Giang đề ra 13 nhiệm vụ trọng tâm, cùng nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, tăng cường sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác dân số trong tình hình mới. Đưa nội dung công tác dân số lồng ghép vào các hoạt động thường xuyên. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.
Để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2018-2025. Phối hợp Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang; trang thông tin điện tử của ngành y tế; mạng xã hội; hệ thống loa phát thanh xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh.
Nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán những hành vi vi phạm quy định pháp luật về lựa chọn giới tính khi sinh dưới mọi hình thức. Đưa các nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào chương trình giáo dục cho học sinh trường THCS, THPT; đưa vào hương ước, quy ước của khóm, ấp, tổ dân phố. Duy trì hoạt động câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên. Tổ chức chiến dịch, vận động cộng đồng tại địa bàn trọng điểm. Tổ chức hội nghị biểu dương các gia đình sinh con một bề là gái thực hiện tốt chính sách dân số, các con chăm ngoan, học giỏi.
Bên cạnh đó, điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng. Thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Tuyên truyền lợi ích của việc sinh đủ 2 con. Triển khai các loại hình phòng, tránh vô sinh từ tuổi vị thành niên; tích cực chuyển giao công nghệ, phát triển mạng lưới hỗ trợ sinh sản. Tổ chức chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp các dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản tại các xã thuộc địa bàn mức sinh cao, vùng khó khăn, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Giám sát quản lý hậu cần phương tiện tránh thai và cung cấp dịch vụ tại các cơ sở tế y tế.
Mở rộng các loại hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại các cơ sở y tế. Tổ chức các mô hình can thiệp tầm soát các bệnh liên quan đến thực hiện KHHGĐ tại cộng đồng. Chú trọng gói khám phụ khoa, dự phòng vô sinh; ưu tiên cho đối tượng khó tiếp cận, địa bàn trọng điểm. Tổ chức chiến dịch truyền thông, cung cấp thông tin và các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ.
Thực hiện chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Vận động, tư vấn phụ nữ mang thai tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, nhằm nâng cao sức khỏe, giảm bệnh, tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh, nhất là bệnh, tật và tử vong có liên quan đến các yếu tố di truyền. Triển khai các dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Duy trì hoạt động câu lạc bộ tiền hôn nhân, thường xuyên đổi mới phương thức sinh hoạt tạo sự hấp dẫn, lối cuốn nam, nữ thanh niên đến tham gia. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn cho các cặp nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn. Cùng với đó duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ người cao tuổi tại 156 xã, phường, thị trấn.
Đẩy mạnh chương trình truyền thông, cung cấp thông tin về dân số và phát triển. Thực hiện các đợt cao điểm, sự kiện, chiến dịch truyền thông hưởng ứng: Ngày Thalassemia Thế giới (8/5); ngày dân số thế giới (11/7); ngày tránh thai thế giới (26/9); ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam và ngày quốc tế người cao tuổi (1/10); chiến dịch truyền thông về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và hưởng ứng ngày quốc tế trẻ em gái (11/10); Tháng hành động quốc gia về dân số và ngày dân số Việt Nam (26/12). Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông; củng cố, phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số của tỉnh.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU