Từ 6 đến 15 tuổi, trẻ em DTTS Chăm ở huyện An Phú được học tiếng Chăm, song song với chương trình giáo dục phổ thông chung. Tại thánh đường, các em tiếp cận với kinh Qur’an. Riêng tiếng DTTS Chăm tạm phân thành 4 cấp bậc: Qidam (ráp từ chữ cái), Alphatyhah (học các bài lễ trong ngày), A’quran và Tajawid (học ngữ pháp), A’quran và Kytab (học tôn giáo). Các em học nhiều ngày trong tuần, chỉ nghỉ thứ 6 và Tháng Ramadan. Khi các em được nghỉ học theo chương trình giáo dục phổ thông thì tiếp tục đến lớp học tiếng Chăm vào ban ngày.
Sau khi học hành đầy đủ, tiếp nhận kiến thức chuyên sâu tại nước ngoài, năm 2000, ông Jsa bắt đầu đảm nhiệm truyền dạy cho con em trong xóm Chăm (xã Quốc Thái, huyện An Phú). Thời điểm ấy, có 2 giáo viên nữ cùng hỗ trợ ông giảng dạy. Số lượng học sinh dao động từ 90-110 em, chia thành 3 lớp (sáng, chiều, tối). Đặc thù của các lớp học này là không có chi phí. Cá nhân, hộ gia đình đồng bào DTTS Chăm tự nguyện đóng góp theo khả năng của mình, không đóng góp cũng không sao.
Chính vì thế, thu nhập của ông Jsa và thầy cô gần như bằng 0. Họ vất vả dạy học nhiều buổi trong ngày, liên tục nhiều năm, nỗ lực truyền đạt kiến thức mình đã được học, giúp đỡ cộng đồng phát triển kiến thức. “Dạy thì cực, không có lương, nên các giáo viên khác đã nghỉ dạy. Giờ, xóm Chăm này chỉ còn mình tôi đứng lớp. Không đủ thời gian và sức lực, tôi dạy 2 buổi/ngày, ngừng lớp buổi tối. Với số lượng học sinh đông thế này, cần ít nhất 5 giáo viên thay phiên nhau mới duy trì được” – ông Jsa bày tỏ.
Cơ sở vật chất cho lớp học cũng là vấn đề cần quan tâm. Lớp được bố trí tại thánh đường Masjid Jamiul Muslimin, gồm 2 phòng học khá rộng rãi. Tuy nhiên, số bàn ghế ít ỏi trong lớp được đóng từ cây tạp cách đây 15 năm, giờ bắt đầu xuống cấp và 2 chiếc bảng cũng chỉ được sử dụng tạm bợ, chưa có điều kiện thay mới.
Tại xã Đa Phước, sau khi một số giáo viên nghỉ dạy, cộng đồng DTTS Chăm nơi đây còn được 13 thầy cô, chia ra giảng dạy cho hơn 300 học sinh, 15 phòng học. Ông Ali (Trưởng ban Quản trị Thánh đường Ehsan) bày tỏ: “Chúng tôi xác định, nếu không nỗ lực gìn giữ phong tục tập quán, truyền thống của cộng đồng thì mọi thứ sẽ mất đi. Học nội dung cơ bản xong, các cháu nhỏ biết hành lễ, đọc kinh hàng ngày, biết nhận diện mặt chữ. Còn muốn học nâng cao hơn thì sẽ du học nước ngoài, như: Malaysia, Indonesia… tùy theo điều kiện gia đình”.
Những lớp học tiếng Chăm này, Ban Quản trị Thánh đường kiên trì thực hiện, dù gặp rất nhiều khó khăn. Họ tranh thủ nguồn lực vừa đi học chuyên sâu về, nhờ đứng lớp giảng dạy cho con em trong xóm. Tuy nhiên, đời sống kinh tế chi phối, các giáo viên lần lượt bỏ lớp, đi làm ăn xa, thay vì bám trụ ở lớp học không có nguồn thu nhập ổn định. Mặt khác, tài liệu giảng dạy chưa đầy đủ, chưa thống nhất trong các cộng đồng DTTS Chăm An Giang; cơ sở vật chất lớp học còn thiếu… phần nào ảnh hưởng đến chất lượng lớp.
Theo UBND huyện An Phú, toàn huyện có 6 điểm dạy học tiếng DTTS Chăm, gồm 32 phòng, giảng dạy cho gần 1.000 em nhỏ. Trong đó, xóm Chăm xã Đa Phước nhiều nhất với 15 phòng, xã Vĩnh Trường và Nhơn Hội mỗi nơi 8 phòng, xã Quốc Thái 1 phòng, xã Khánh Bình 2 phòng. Tuy vậy, chỉ có 40 người (29 nam, 11 nữ) tham gia dạy học, số lượng có xu hướng giảm dần từng thời điểm.
“Bà con đồng bào DTTS Chăm hiện đang cần khoảng 100 bộ bàn ghế trang bị cho các điểm dạy học. Theo chúng tôi, tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất rất dễ. Nhưng tháo gỡ khó khăn về giáo án đứng lớp, chế độ cho người dạy thì địa phương gặp khó, chưa có hướng giải quyết. Rất mong tỉnh có chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí đối với số người này” – Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương kiến nghị.
Tiếp sức cho các lớp học tiếng DTTS Chăm là vấn đề đáng chú ý khi đoàn khảo sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm việc tại xã Đa Phước, Quốc Thái và UBND huyện An Phú, về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025; việc tổ chức dạy học tiếng DTTS Chăm tại cơ sở thờ tự trong dịp hè.
Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Lĩnh (Trưởng đoàn khảo sát) khẳng định, việc dạy tiếng DTTS là nhu cầu của cộng đồng, cần được quan tâm hỗ trợ nhiều hơn. Sau khi trao đổi, làm rõ nội dung làm được, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, đoàn khảo sát ghi nhận ý kiến, thực trạng từ huyện đến xã; sẽ tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, kiến nghị UBND tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ.
GIA KHÁNH