Trao thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, trong Tháng hành động vì trẻ em, tỉnh tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về triển khai thực hiện Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tập trung nội dung chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Vận động xã hội thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”, hỗ trợ mỗi xã có một công trình dành cho trẻ em được xây dựng hoặc nâng cấp; mỗi đoàn viên, hội viên của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có hành động thiết thực vì trẻ em.
Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông.
Thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, đặc biệt là cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em. Các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện, vận động nguồn lực để mọi trẻ em có mùa hè an toàn, lành mạnh.
Các hoạt động trọng tâm trong Tháng hành động vì trẻ em, gồm: Tổ chức lễ ra quân Tháng hành động vì trẻ em năm 2024; các hoạt động truyền thông; hỗ trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Theo đó, tổ chức đêm văn nghệ hưởng ứng lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, trong đó có tuyên truyền các tiểu phẩm về phòng ngừa xâm hại trẻ em và tai nạn đuối nước trẻ em…
Tổ chức diễn đàn trẻ em cấp huyện với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”, “Trẻ em với các vấn đề trẻ em”. Tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em tại cấp huyện; tuyên truyền cho công nhân lao động về phòng, chống xâm hại trẻ em tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tọa đàm “về các biện pháp, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ em”. Phát triển các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, như: Câu lạc bộ quyền trẻ em, các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện để trẻ em phát huy được quyền tham gia và giúp cho trẻ em tự tin, thực hiện tốt bổn phận của mình.
Bên cạnh đó, vận động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ để xây dựng và phát triển Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp; thăm hỏi, tặng quà động viên giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh; đỡ đầu, trợ giúp trẻ em nghèo, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại. Hỗ trợ thiết bị vui chơi giải trí, đồ dùng học tập, tủ sách cho trẻ em tại cộng đồng.
Tổ chức thăm tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi do COVID-19, trẻ em khuyết tật có thành tích tốt vươn lên trong cuộc sống. Tổ chức thăm trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và một số cơ sở nuôi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ngoài công lập, các địa phương vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo. Chăm sóc sức khỏe và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị bệnh bẩm sinh, bệnh hiểm nghèo...
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND cấp xã triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về trách nhiệm bảo vệ trẻ em nhất là về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, bạo lực trẻ em và đuối nước trẻ em trên địa bàn.
Đồng thời, chỉ đạo rà soát lập danh sách trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trẻ bị xâm hại, trẻ em đuối nước, trẻ em có nguy cơ bỏ học… để có kế hoạch hỗ trợ và vận động sự đóng góp từ các nhà tài trợ, chăm sóc nhận đỡ đầu cho nhóm trẻ yếu thế… Quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ, hỗ trợ kịp thời nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi do COVID-19, mắc bệnh hiểm nghèo, bị rối nhiễu tâm lý, bị xâm hại, bị tai nạn thương tích.
“Việc tổ chức các hoạt động tại địa phương, cơ quan, đơn vị phải đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả. Các hoạt động tập trung hướng về cơ sở, đảm bảo cho mọi trẻ em đều được thực hiện đầy đủ quyền của mình, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nhận hỗ trợ bằng nhiều hình thức kể cả vật chất lẫn tinh thần” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu.
THU THẢO