An Giang: Trọng trách cho nửa cuối năm 2024

28/07/2024 - 22:35

 - Kỳ họp thứ 20 (giữa năm 2024) HĐND tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 quyết nghị 16 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) cho 6 tháng cuối năm. Những nhiệm vụ ấy đều được nhắc đến nhiều lần trước đó, cần sự tập trung, nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị và từng cá nhân mới có thể đạt được như mong muốn.

“Đòn bẩy” vững trên nhiều lĩnh vực

2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện nghị quyết các cấp. Do vậy, rất nhiều quyết sách mới, giải pháp quyết liệt, chương trình hỗ trợ đầu tư được Quốc hội thông qua, được Chính phủ ban hành, hỗ trợ mọi đối tượng, lĩnh vực. Từ đó, giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chống chịu lại tác động từ khó khăn và biến động của kinh tế thế giới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết: “KTXH 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước biến động phức tạp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 6,6% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (6,5%).

Giá trị sản xuất (theo giá so sánh) ngành công nghiệp đạt 21.620 tỷ đồng (tăng 10,8% so cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 643 triệu USD (tăng 6,4%); doanh thu hàng hóa, dịch vụ tăng 14,3%; nhiều doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Với kết quả trên, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đứng thứ 5 trong khu vực ĐBSCL, sau Trà Vinh (10,27%), Hậu Giang (8,04%), Cà Mau (6,97%), Kiên Giang (6,84%). Đồng thời, đứng thứ 27/63 trong cả nước, cao hơn bình quân chung cả nước (6,42%)”.

Theo nhận định của UBND tỉnh, cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tốt, cao hơn cùng kỳ; có 11/21 phân nhóm ngành hàng tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của tỉnh (9 nhóm hàng tăng trên 11%). Bên cạnh đó, một số công trình trọng điểm của tỉnh đã khởi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần rất lớn trong phát triển KTXH thời gian tới. Đó là cầu Châu Đốc, tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên.

Ngoài ra, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang khẩn trương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2027. Bức tranh toàn cảnh chung cho thấy, kinh tế của tỉnh đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Công tác chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang đi đúng hướng, đúng trọng tâm với những chủ trương, giải pháp đúng đắn, kịp thời phục hồi và phát triển kinh tế trong thời kỳ hậu COVID-19.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, GRDP tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn kịch bản đề ra. Để đạt chỉ tiêu cả năm theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, cần thêm nỗ lực rất lớn, phấn đấu cao hơn nữa từ nay đến cuối năm. Một bộ phận doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và việc làm cho người lao động, trong điều kiện nhu cầu thị trường hàng hóa tăng trưởng chậm, thị trường thế giới thắt chặt tiêu dùng. Dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn khó khăn, thách thức, cơ hội đan xen.

Quyết liệt hơn trong mọi hành động

Trong Nghị quyết 28/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển KTXH 6 tháng cuối năm 2024 được thông qua tại kỳ họp giữa năm, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, ngày 5/1/2024 của Chính phủ về phát triển KTXH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 và xây dựng kế hoạch cho năm 2025.

Là tỉnh nông nghiệp, An Giang cần chủ động triển khai giải pháp tổ chức sản xuất thắng lợi vụ hè thu và thu đông; phòng, chống thiên tai, giông lốc... Theo dõi sát tình hình sụt lún, sạt lở bờ sông, kênh, rạch; phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa phận tỉnh An Giang, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tỉnh triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024, đặc biệt là các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư vào 6 lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, có nhiều tiềm năng, thế mạnh đã xác định trong Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực; cắt giảm và đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tập trung thực hiện mọi giải pháp để cải thiện xếp hạng chỉ số môi trường cạnh tranh cấp tỉnh thực chất, hiệu quả. Nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã. Tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, tạo thêm việc làm, thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động; bảo đảm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại Nhân dân; tạo môi trường hòa bình, ổn định; hoàn thành tốt diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh và các địa phương năm 2024.

“Giao UBND tỉnh căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh để điều hành kế hoạch phát triển KTXH 6 tháng cuối năm 2024 của tỉnh, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Lưu ý, chủ động thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên tinh thần linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn, thường xuyên rà soát, quyết liệt chỉ đạo, điều hành đảm bảo đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; phối hợp, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền. UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên vận động Nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Chúng tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Nhân dân và các lực lượng vũ trang trong tỉnh phát huy tinh thần đại đoàn kết, kết quả đạt được trong những tháng đầu năm, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH 6 tháng cuối năm 2024” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

Theo kịch bản tăng trưởng kinh tế, toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu GRDP năm 2024 tăng 7,5 - 8,5%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5 - 3,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,5 - 13,7%; khu vực dịch vụ tăng 9,35 - 10,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,8 - 2%.

GIA KHÁNH