Nhằm tạo điều kiện để các siêu thị, nhà phân phối tỉnh An Giang tìm hiểu, tiếp cận, gắn kết tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tỉnh Kon Tum tại thị trường tỉnh An Giang và ngược lại, Sở Công Thương tỉnh An Giang phối hợp Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội nghị giao thương giữa DN An Giang với DN Kon Tum.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang Huỳnh Ngọc Hồ cho biết: “Với lợi thế có tuyến biên giới dài gần 100km, An Giang trở thành cầu nối trung chuyển hàng hóa giữa thị trường trong nước với thị trường Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN. An Giang có cơ hội tạo lập các quan hệ kinh tế thương mại với các khu vực thị trường năng động. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển hệ thống phân phối không chỉ cho các sản phẩm của tỉnh An Giang, mà còn cho hàng hóa của các địa phương khác trên cả nước”.
Hội nghị kết nối giao thương là dịp để các sản phẩm đặc trưng của 2 tỉnh tiếp tục được mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, hợp tác xã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Thông qua hội nghị giao thương, DN An Giang và DN hợp tác xã, chủ thể OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Kon Tum đã gặp gỡ và tìm kiếm được đối tác tiêu thụ, thị trường hợp tác kinh doanh và đầu tư, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và tăng cường quan hệ thương mại giữa 2 địa phương.
Doanh nghiệp, nhà phân phối tỉnh An Giang và Kon Tum ký kết các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ: “Là tỉnh miền núi, Kon Tum có thế mạnh về sản xuất các sản phẩm từ nông sản, cây công nghiệp, sản phẩm dược liệu, đặc biệt là các sản phẩm từ sâm ngọc linh, trầm hương vùng núi. Kon Tum có khoảng 250 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao.
Tham gia hội nghị lần này, Kon Tum mang đến trên 50 sản phẩm đặc trưng chủ yếu là nấm linh chi, sâm dây ngọc linh của Công ty Cổ phần Dược liệu sạch Kon Tum; yến sâm, yến đông trùng hạ thảo, yến tinh chế của Công ty TNHH Yến sào Kon Tum. Và nhiều sản phẩm sâm dây ngọc linh, cao sâm dây, trà sâm dây... của Công ty Cổ phần Nước giải khát ngọc linh; các sản phẩm trà sâm ngọc linh, cà-phê sâm ngọc linh, nước chiết xuất hồng đẳng sâm ngọc linh... của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông; thảo dược Tây Nguyên... Với mong muốn các sản phẩm này sẽ có mặt trên thị trường, tại các cửa hàng, siêu thị và được người tiêu dùng An Giang biết đến”.
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu sạch Kon Tum Phạm Thị Nga chia sẻ: “DN Kon Tum mang đến An Giang nhiều sản phẩm. Trong đó, có sản phẩm nhiều tỉnh khác không có là sâm ngọc linh và sâm dây ngọc linh, mật ong rừng Kon Tum và nhiều sản phẩm nguyên liệu, dược liệu rừng Kon Tum với độ cao trên 2.598m, chất lượng đặc biệt”.
Chị Nga cho biết: “DN Kon Tum đánh giá rất cao thị trường tiềm năng của An Giang. Là nhà phân phối, chuỗi cửa hàng ở Kon Tum, tôi mong muốn kết nối sản phẩm Kon Tum tiêu thụ mạnh ở thị trường An Giang và ngược lại. Đồng thời, nếu kết hợp sản phẩm yến sào với sâm dây của 2 tỉnh, sẽ cho ra sản phẩm yến sâm tuyệt vời, tăng thêm giá trị”.
Nguyễn Hoàng Kim Ngân (Công ty Cổ phần Dược liệu Lâm Thịnh - Kon Tum) chia sẻ: “Tôi đem sản phẩm sâm dây ngọc linh, sâm dây sấy dẻo, trà sâm dây túi lọc... đến An Giang mong muốn kết nối với các DN, có nhà phân phối ở An Giang để bán được sản phẩm cho thị trường vùng biên này”.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang Huỳnh Ngọc Hồ cho biết: “Đến nay, An Giang có 139 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” của 100 chủ thể kinh tế. Trong đó, có 2 sản phẩm 5 sao, 16 sản phẩm 4 sao (3 sản phẩm tiềm năng 5 sao), 121 sản phẩm 3 sao. Tham dự kết nối, có 9 chủ thể OCOP và 16 nhà phân phối tỉnh An Giang tham gia”.
DN An Giang mang đến nhiều sản phẩm đặc sản, OCOP, như: Cá linh kho mía, mắm cá linh chưng, bắp non đóng hộp của Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco); bánh hạnh nhân của Công ty TNHH SX-TM Tiến Anh; đường thốt nốt, nước màu thốt nốt của Công ty TNHH Thảo Hương; khô cá lóc, cá tra... của Cơ sở khô Kim Loan; chiếu uzu, hàng thủ công bằng uzu của Cơ sở sản xuất Tân Phú Hưng...
Anh Ngô Vạn Toàn (phụ trách kinh doanh nội địa Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang) cho biết: “Bên cạnh thị trường xuất khẩu, đây cũng là cơ hội để Antesco phát triển những sản phẩm ở thị trường nội địa, tăng doanh thu, tỷ lệ tiêu thụ. Hy vọng thị trường nội địa chiếm 20%/tổng doanh số của công ty”.
Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tiến Anh Trần Lê Hùng cho biết: “Từ năm 1993 đến nay, bánh Tiến Anh có mặt ở thị trường cả nước, đặc biệt thị trường miền Trung thành công với sản lượng bình quân 10-15 tấn/tháng, mỗi tỉnh có 1 nhà phân phối. Vai trò kết nối giao thương của cơ quan Nhà nước rất có ý nghĩa giúp DN mở rộng thị trường”.
Tại sự kiện, đã có 45 biên bản ghi nhớ kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa DN, Hợp tác xã, nhà phân phối 2 tỉnh được ký kết. Thông qua sự kiện, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm uy tín, chất lượng.
HẠNH CHÂU