An Giang xã hội hóa chăm lo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội

08/06/2021 - 05:00

 - Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, “tiếp tục thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”.

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang vừa ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU về tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa chăm lo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân vì hạnh phúc của nhân dân. Bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững của đất nước. Những năm qua, cùng với chính sách chăm lo của nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện công tác xã hội hóa chăm lo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đạt nhiều kết quả tích cực.

Giai đoạn 2017-2020, An Giang đã huy động được nguồn lực ngoài xã hội đóng góp trên 1.605 tỷ đồng, trong đó vận động quỹ Vì người nghèo trên 701 tỷ đồng. Qua đó, đã xây dựng 263 cầu giao thông nông thôn, cất mới 1.275 nhà Đại đoàn kết. Đến nay, hệ thống xe chuyển bệnh miễn phí được phủ khắp các xã, thị trấn trong toàn tỉnh, với 188 xe chuyên dụng. Qua đó, góp phần cùng ngân sách nhà nước khắc phục những rủi ro và tác động bất thường từ thiên tai, dịch bệnh, cải thiện môi trường xã hội, ổn định chính trị - xã hội địa phương.

An Giang tiếp tục huy động mọi nguồn lực để chăm lo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chăm lo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội vẫn còn hạn chế so với yêu cầu phát triển xã hội bền vững, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, như: giảm nghèo chưa bền vững, hộ cận nghèo còn nhiều. Đời sống một bộ phận dân cư vùng sâu, vùng dân tộc còn nhiều khó khăn; nguồn lực cho an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn hạn hẹp, việc bao phủ và mức độ hỗ trợ còn thấp, chưa huy động mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng. Mặt khác, nhận thức về vai trò an sinh xã hội trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa đúng mức và chưa đầy đủ, xem an sinh xã hội là trách nhiệm của nhà nước, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào nhà nước.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Lê Văn Nưng, để huy động sự hưởng ứng tham gia của cộng đồng, tăng thêm nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ các lĩnh vực đời sống xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KTXH) phát triển bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục xác định công tác chăm lo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Toàn tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm cá nhân, hộ gia đình, người lao động, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần xã hội hóa, tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm các điều kiện sống tốt hơn, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh xã hội hóa chăm lo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, lồng ghép và phối hợp chặt chẽ, phù hợp với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Bên cạnh đó, đổi mới cách thức hỗ trợ theo hướng linh hoạt, lấy người nghèo làm trung tâm, hỗ trợ các công trình dân sinh, cung cấp tư liệu sản xuất phù hợp, mang tính dài hạn để tăng gia sản xuất, thoát nghèo bền vững; người có công cách mạng được hỗ trợ chăm lo có mức sống từ trung bình khá trở lên; kịp thời trợ giúp xã hội cho người, nhóm yếu thế và cộng đồng để khắc phục rủi ro do dịch bệnh và thiên tai... Với phương châm “vận động đúng đối tượng, đóng góp đúng sức mình, sử dụng đúng mục đích” để thu hút nhiều thành phần trong xã hội hưởng ứng, đa dạng hóa nguồn lực chăm lo an sinh xã hội, mở rộng đối tượng trợ giúp xã hội, tỉnh và các địa phương kết hợp với nguồn lực nhà nước đầu tư cho phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tăng cường vận động nguồn tài trợ ngoài ngân sách nhà nước đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng KTXH, quan tâm hỗ trợ các huyện biên giới, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ về giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, nhà ở, nước sinh hoạt... nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh đó, phối hợp MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển KTXH, xây dựng kết cấu hạ tầng, giảm nghèo cần nguồn vốn xã hội hóa để tổ chức tuyên truyền, vận động thu hút nguồn lực và triển khai thực hiện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang yêu cầu Đảng đoàn MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, khơi dậy tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Thương người như thể thương thân”, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, như: “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

THU THẢO