An Giang xây dựng mô hình “Công dân học tập”

05/10/2023 - 05:59

 - Thời gian qua, hội khuyến học các cấp trong tỉnh tích cực hưởng ứng chương trình “Xây dựng mô hình công dân học tập” giai đoạn 2021 - 2030. Đây là mô hình mới, được Chính phủ phê duyệt và giao nhiệm vụ cho hội khuyến học các cấp phối hợp tổ chức thực hiện, hướng tới mục tiêu khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi.

Tặng xe đạp cho học sinh

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang Nguyễn Đăng Giai cho biết, những năm qua, số lượng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” ngày càng phát triển. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập” với mục tiêu đưa phong trào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả thiết thực.

Với vai trò “nòng cốt” trong việc thực hiện các mô hình học tập, ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 677/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình “Xây dựng mô hình công dân học tập” giai đoạn 2021 - 2030, hội khuyến học các cấp trên địa bàn tỉnh cùng hệ thống chính trị tập trung đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình “Công dân học tập”.

“Công dân học tập” là hạt nhân của xã hội học tập. Để có được các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và cộng đồng cấp xã học tập thì trước hết phải có những công dân học tập. Trong một gia đình, những thành viên nào không là công dân học tập thì gia đình đó không đạt được tiêu chí gia đình học tập. Cũng như vậy, một cơ quan, doanh nghiệp, trường học… mà người lao động làm việc không tham gia học tập thì ta không thể có đơn vị học tập. Vì vậy, công dân học tập là yếu tố cơ bản để xây dựng xã hội học tập.

Mô hình “Công dân học tập” được Hội Khuyến học tỉnh triển khai nhân rộng theo bộ tiêu chí hướng dẫn của Hội Khuyến Việt Nam (cụ thể hóa theo Quyết định 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) thể hiện rõ mối quan hệ của công dân với việc học tập của bản thân, với công việc - nghề nghiệp, với gia đình, dòng họ, với cơ quan - đơn vị công tác, nơi cư trú, với cộng đồng xã hội và với môi trường sinh sống, làm việc, học tập… “Công dân học tập” phải có ý thức học tập thường xuyên và năng lực tự học, học tập suốt đời dưới nhiều hình thức, phải có những phẩm chất, năng lực, nguyên tắc tôn trọng và thực hành các chuẩn mực xã hội.

Bộ tiêu chí mô hình “Công dân học tập”, gồm 10 tiêu chí dựa trên 3 năng lực cốt lõi nhằm đánh giá 3 nhóm đối tượng. Cụ thể: Nông dân và lao động nông thôn; công nhân khu công nghiệp, lao động tiểu thủ công, thợ sửa chữa thiết bị gia dụng, lao động tự do; cán bộ quản lý, công chức, viên chức, nhân viên từ cấp xã trở lên, doanh nhân, quản lý doanh nghiệp… 10 tiêu chí dựa trên 3 năng lực cốt lõi, gồm: Năng lực tự học và học tập suốt đời; năng lực sử dụng những công cụ tương tác; năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang Nguyễn Tấn Danh cho biết: “Chương trình xây dựng mô hình “Công dân học tập” giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời để cán bộ, hội viên hội khuyến học và Nhân dân phát triển toàn diện, năng động; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào và làm việc hiệu quả… trên cơ sở hình thành mô hình “Công dân học tập”.

Qua đó, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng thành công xã hội học tập…”.

Để triển khai xây dựng mô hình “Công dân học tập” giai đoạn 2021 - 2030, thời gian qua, hội khuyến các cấp trong tỉnh tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, công dân học tập. Đặc biệt, tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của mô hình “Công dân học tập”.

Hội Khuyến học tỉnh An Giang tổ chức các đợt tập huấn để triển khai các văn bản liên quan đến mô hình “Công dân học tập”. Trong đó, hướng dẫn cụ thể, chi tiết về ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa mô hình “Công dân học tập”; sử dụng phần mềm và xử lý các số liệu, minh chứng; tăng cường ứng dụng công nghệ trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời và xây dựng mô hình; hỗ trợ tối đa việc tự động hóa thu thập thông tin, đánh giá các tiêu chí “Công dân học tập”.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang Nguyễn Tấn Danh nhấn mạnh: "Để xây dựng mô hình “Công dân học tập”, cần làm tốt việc xây dựng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị, cộng đồng học tập. Hội khuyến các cấp trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với công tác khuyến học - khuyến tài. Phát huy hơn nữa vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập…".

TRUNG HIẾU