An Giang xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp

28/04/2022 - 06:59

 - Với quan điểm, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) là thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2030 tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC). Mục tiêu nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch.

Theo đó, tỉnh An Giang tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) có phẩm chất đạo đức, uy tín, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền, quy chế dân chủ ở cơ sở trong hoạt động quản lý, điều hành của UBND, cơ quan hành chính các cấp.

Hàng năm, duy trì Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)... của tỉnh xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố điều hành tốt của cả nước.

Theo Chương trình CCHC giai đoạn 2021-2030 do Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ký quyết định ban hành, được xây dựng tập trung vào 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Quán triệt, triển khai nhiệm vụ cải cách thể chế đầy đủ và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hành chính của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB-CC-VC về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành chính, có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, tác phong, lề lối làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự phát triển của tỉnh. Quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ quy định về cơ chế, chính sách bồi dưỡng, chế độ tiền lương đối với CB-CC-VC, người lao động; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh An Giang

Theo đó, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính; cải cách mạnh mẽ quy định TTHC liên quan đến người dân, DN, TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC. Đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, DN có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau. Để cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tỉnh tiếp tục đổi mới, cải tiến phương thức làm việc; sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức. Phấn đấu đến năm 2030, giảm đầu mối các sở, ban, ngành; giảm mạnh đầu mối các tổ chức trung gian.

Trong cải cách chế độ công vụ, xây dựng nền công vụ liêm khiết, trách nhiệm, chuẩn mực và thực tài. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm thực hiện theo cơ chế cạnh tranh công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch để thu hút người có đủ đức, đủ tài làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, triển khai thực hiện Đề án An Giang điện tử và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã đề ra 6 giải pháp trọng tâm. Yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch CCHC giai đoạn 5 năm, 10 năm. Cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đúng tiến độ đề ra, đạt chất lượng. Trong đó, tăng cường chỉ đạo việc thực hiện; gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, CCHC không chỉ là công việc riêng của hệ thống hành chính, mà là yêu cầu chung của toàn xã hội. Bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực cho CCHC. Tạo động lực cải cách trong đội ngũ CB-CC-VC. Đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả CCHC theo hướng toàn diện, đa chiều; thường xuyên đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, khoa học và công nghệ trong thực hiện từng nội dung CCHC...

Sở Nội vụ là cơ quan thường trực tham mưu UBND tỉnh quản lý, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức triển khai thực hiện chương trình CCHC tỉnh. Chủ trì triển khai các nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách chế độ công vụ. Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định các giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, đôn đốc, tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện. Tổ chức triển khai tuyên truyền, kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ; thẩm định các đề án thí điểm về CCHC; triển khai việc xác định Chỉ số CCHC hàng năm...

Với nhiều giải pháp cụ thể, tin rằng việc xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp của tỉnh sẽ được thực thi hiệu quả.

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích