An Giang xúc tiến sản phẩm OCOP

01/07/2022 - 02:22

 - Cùng với thúc đẩy Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở các địa phương, các sở, ngành còn tích cực hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm OCOP được lan tỏa nhiều nơi, được nhiều người biết đến, tạo thêm hứng khởi tham gia cho các chủ thể kinh tế.

Vượt khó hỗ trợ

Năm 2021 được xem là một năm thật sự khó khăn với nền kinh tế, khi dịch bệnh COVID-19 tác động lên mọi mặt đời sống, ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh vẫn tích cực phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án quảng bá, xúc tiến và phát triển sản phẩm OCOP tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2023. Nhờ vậy, hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại, kết nối giao thương đối với các sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn được đẩy mạnh.

Điểm nổi bật là tỉnh đã tổ chức thành công 4 sự kiện lớn, gồm: Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành phố năm 2021; sự kiện sản phẩm OCOP đồng hành cùng người tiêu dùng năm 2021; Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022; Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang năm 2022. Các hoạt động được tổ chức với quy mô 680 gian hàng, thu hút trên 385.000 lượt khách tham quan, mua sắm, tổng doanh số bán hàng đạt khoảng 64 tỷ đồng.

Đây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và đầu mối tiêu thụ, định hướng phát triển sản xuất sản phẩm theo nhu cầu phát triển của thị trường. Qua đó, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP và hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác hoàn thành chỉ tiêu chất lượng, nhãn hiệu của từng sản phẩm làm ra.

Các sở, ngành còn phối hợp tổ chức Chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng hướng đến OCOP, sản phẩm khởi nghiệp năm 2021 và Phiên chợ cuối tuần năm 2022 với chủ đề “Sản phẩm OCOP và đặc trưng nổi tiếng vùng miền” để các đơn vị doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đạt chứng nhận OCOP tham gia giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng TP. Châu Đốc tại siêu thị Tứ Sơn.

Cũng tại siêu thị Tứ Sơn, đã diễn ra tọa đàm “Một số giải pháp phát triển sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố tại An Giang” và tổ chức cụm gian hàng các sản phẩm OCOP của 4 tỉnh ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp).

Tại buổi họp mặt báo chí xuân Tân Sửu 2021 tại An Giang và lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh An Giang với Công ty Cổ phần NovaGroup tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh đã kết hợp tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP. Đơn vị còn phối hợp tổ chức 4 chuyên đề trực tuyến về chuỗi tập huấn kiến thức tổng quan và nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho DN An Giang; hỗ trợ DN An Giang truyền thông, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội…

Xúc tiến, kết nối

Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh thông qua việc tham gia và hỗ trợ các chủ thể đạt chứng nhận OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, như: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP An Giang với chủ đề “Hương sắc miền Tây” của các tỉnh vùng ĐBSCL và các địa phương khác tại TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh năm 2021 tại TP. Hồ Chí Minh; Triển lãm trực tuyến quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2021; Diễn đàn Mekong Connect 2021; Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2021; Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL năm 2022; Triển lãm Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại Sơn La; Tuần lễ OCOP và các sản phẩm tinh hoa hàng Việt Nam khu vực ĐBSCL năm 2022 tại TP. Cần Thơ…

Ngay tại An Giang, các sở, ngành, đoàn thể thường xuyên kết nối, đưa các sản phẩm OCOP trưng bày, giới thiệu tại 3 điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh là: Điểm trưng bày Tre Làng (huyện Tịnh Biên), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang và Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (TP. Long Xuyên).

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, các sản phẩm OCOP của An Giang khi tham gia, giới thiệu tại các sự kiện đều nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng, nhà phân phối về chất lượng và tính độc đáo của sản phẩm. Tuy nhiên, do sản phẩm OCOP là những sản phẩm được “sinh ra từ làng”, dựa vào thế mạnh của nguyên, vật liệu sẵn có, tay nghề địa phương, truyền thống gia đình nên còn hạn chế về mẫu mã, bao bì, đóng gói, chủng loại sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, sản phẩm chưa được truyền thông rộng rãi; hệ thống phân phối chưa đủ mạnh để đứng ra tiếp nhận và luân chuyển sản phẩm, giới thiệu đến người tiêu dùng. Một khó khăn khác là do hạn chế về vốn nên các chủ thể còn hạn chế trong việc đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất; việc ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử còn yếu. Do vậy, cần nhiều giải pháp đồng bộ để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án quảng bá, xúc tiến và phát triển sản phẩm OCOP tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2023, cũng như kế hoạch phát triển chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.

NGÔ CHUẨN