An Phú khắc phục thiệt hại sau hỏa hoạn

02/04/2019 - 07:33

 - Chưa đầy 1 tháng, ở huyện An Phú xảy ra 2 vụ cháy, thiệt hại 22 căn nhà (14 căn bị cháy hoàn toàn, 8 căn cháy sém nhưng hầu như mọi vật dụng đều bị hư hại); hơn 100 người sống cảnh “màn trời, chiếu đất”. Huyện An Phú đang tập trung khắc phục thiệt hại và hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.

2 vụ cháy, thiệt hại 22 căn nhà

2 ngày sau khi xảy ra vụ cháy thiệt hại 13 căn nhà, người dân tổ 37, ấp An Thịnh, thị trấn An Phú (An Phú) vẫn chưa hết ám ảnh. Ông Chín (người dân địa phương) bàng hoàng kể lại: “Lúc đó khoảng 1 giờ trưa, nắng gắt, ngọn lửa bùng phát từ căn nhà của chú Lộ ở phía trong khu dân cư, sau đó lan ra rất nhanh. Tụi tôi chỉ biết hô hoán để xúm nhau dập lửa, đây là dãy nhà sàn gỗ liền kề nên lửa bắt rất nhanh, việc chữa lửa rất khó khăn”.

Sau đó, Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) khu vực Châu Đốc với xe chữa cháy chuyên nghiệp cùng hàng chục chiến sĩ nhanh chóng có mặt, cùng lực lượng tại chỗ khống chế đám cháy. Chỉ mấy chục phút mà hơn chục căn nhà bị cháy thành tro bụi, trong đó 10 căn bị cháy hoàn toàn, 3 căn thiệt hại hơn 50%.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn An Phú Nguyễn Thanh Việt thông tin thêm, nguyên nhân dẫn đến vụ cháy do nhà ông Nguyễn Văn Lộ đốt rác sát vách nhà mình vào khoảng 12 giờ trưa. Sau đó, đến 13 giờ 15 phút người dân phát hiện nhà bếp ông Lộ bị cháy lớn rồi nhanh chóng lan ra xung quanh… Lãnh đạo huyện và thị trấn An Phú trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo chữa cháy và động viên người dân. Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn An Phú Trần Văn Thanh cho biết: “Hầu hết 13 hộ bị hỏa hoạn thuộc diện nghèo, khó khăn ở địa phương, một số hộ ở nhờ đất người khác. Mấy ngày nay, nhiều đoàn của lãnh đạo tỉnh, huyện đã đến thăm, hỗ trợ để bà con khắc phục hậu quả. Trong cơn thắt ngặt mới thấy được tình người quý giá biết bao! Đến nay, từ các nguồn đã hỗ trợ mỗi hộ bị cháy nhà hoàn toàn hơn 30 triệu đồng, hộ bị cháy sém nhà 12 triệu đồng. Đồng thời, Đảng ủy, UBND thị trấn An Phú tiếp tục quyên góp gạo, mùng, mền, mì gói… giúp người dân sớm ổn định cuộc sống”. 

Trước đó, rạng sáng 3-3, tại tổ 9, ấp La Ma (xã Vĩnh Trường, An Phú) đã xảy ra hỏa hoạn gây thiệt hại 9 căn nhà của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm. Trong đó 4 căn nhà bị thiêu rụi hoàn toàn, 5 căn thiệt hại từ 30 - 50%. Tất cả 9 căn nhà của bà con đều có nhiều vật dụng, nội thất bên trong bằng gỗ, nhiều căn là nhà sàn, khung vách gỗ… nên ngọn lửa bùng phát rất nhanh, chỉ vài chục phút đã “nuốt chửng” cả dãy nhà, gây thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng và ảnh hưởng cuộc sống của 57 nhân khẩu. Đến nay, có 5 hộ chuẩn bị cất lại nhà mới, còn một số đang ở nhờ người thân. Từ các nguồn đã hỗ trợ trên 250 triệu đồng và gạo, mì gói, mùng, mền… cho bà con ổn định bước đầu.

Cảnh báo

Mới vào mùa khô nhưng xảy ra nhiều vụ cháy, trong đó có 2 vụ cháy gây thiệt hại 22 căn nhà ở An Phú. Cả 2 vụ cháy đều xảy ra ở khu vực có nhiều nhà sàn cất liền kề nhau, do có kết cấu bằng những vật liệu dễ cháy nên khi xảy ra hỏa hoạn thì bùng phát rất nhanh. Ông Nô Til (sinh năm 1960, có nhà cháy hoàn toàn trong vụ cháy 9 căn nhà của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm) ngậm ngùi: “Lửa cháy nhanh quá nên không kịp lấy ra được món đồ gì, chỉ duy nhất bộ đồ mặc trên người. Nhờ bà con cho quần áo, mùng mền, gạo, mì gói nên cũng đỡ. Không ngờ lửa cháy nhanh như vậy, cháy hù hù mấy phút là bao trùm toàn bộ căn nhà rồi lan qua căn khác”.

Còn vụ cháy ở thị trấn An Phú vừa qua cũng diễn ra rất nhanh, một phần do giữa trưa nắng nóng, có gió mạnh, một phần do đây là dãy nhà sàn, cất bằng gỗ nằm san sát nhau, nên ngọn lửa nhanh chóng lan ra xung quanh. Vụ cháy ở xã Vĩnh Trường được xác định do chập điện, còn vụ cháy ở thị trấn An Phú đang tiếp tục điều tra. “Thói quen dễ thấy của người dân, nhất là ở nông thôn, thường lơ là trong sử dụng điện. Ổ điện được gắn lỏng lẻo trên vách nhà, thậm chí là vách lá, chỉ cần tia lửa nhỏ cũng có thể gây ra hỏa hoạn. Nhiều người còn bất cẩn trong việc nấu nướng để bếp củi sát vách nhà (bằng lá dừa, vách ván), thậm chí quên tắt bếp gas, đi vắng quên rút ổ cắm sạc… dễ dẫn đến cháy, nổ”- một chiến sĩ cảnh sát PCCC-CNCH cho biết.

Hiện, lực lượng cảnh sát PCCC-CNCH đang đẩy mạnh triển khai các đợt kiểm tra PCCC, tập trung vào các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, như: vựa phế liệu, cơ sở sản xuất trong khu dân cư, các điểm vui chơi, giải trí, lễ hội, chùa… Đồng thời, các địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo để người dân nâng cao ý thức phòng, chống “giặc lửa”, nhất là những nơi đông dân cư, khu vực dễ cháy, các khu công nghiệp… Nhưng căn bản nhất là người dân phải tự nâng cao ý thức, chủ động PCCC, để bảo vệ tính mạng, tài sản bản thân, gia đình và góp phần bảo vệ cộng đồng.

Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức cho biết: “Liên tiếp 2 vụ cháy xảy ra, lãnh đạo huyện rất chia sẻ với thiệt hại của bà con, cố gắng vận động, kêu gọi hỗ trợ để bà con sớm vượt qua khó khăn. Địa phương tiếp tục rà soát, tìm phương án bố trí cho bà con vào nơi ở mới ổn định cuộc sống. Đối với vụ cháy ở thị trấn An Phú, huyện đã vận động được 10 bộ cọc bê-tông, 15 bộ cột, tole lợp… Đồng thời, đang tìm vị trí phù hợp quy hoạch để bố trí bà con vào ở ổn định lâu dài”

 

HỮU HUYNH