An Phú khơi dậy sức dân chăm lo xây dựng địa phương

21/09/2020 - 08:16

 - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) do Thủ tướng Chính phủ phát động đến nay đã 10 năm. Đây là một chủ trương lớn, có tầm chiến lược của Đảng và nhà nước. Xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc tổ chức, thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện An Phú (An Giang) tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ để công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao nhất, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để triển khai các hoạt động ở địa phương.

Trao quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Khánh Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai đồng bộ, đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Sau 10 năm xây dựng NTM, huyện An Phú đã có 3/12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Số xã còn lại đạt từ 10-15 tiêu chí và tiếp tục thực hiện để có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM trong những năm tới, gồm các xã: Nhơn Hội, Quốc Thái và Phước Hưng.

Với quyết tâm lãnh, chỉ đạo của Huyện ủy và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, công tác phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh trong xây dựng NTM đã có bước phát triển toàn diện, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân ngày càng nâng lên, thu nhập bình quân tăng từ 22,32 triệu đồng/năm lên 40 triệu đồng/năm.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện An Phú Nguyễn Văn Thao cho biết, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM đạt nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, nông thôn tiếp tục thay đổi, kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư nâng cấp, xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Theo đó, tổng nguồn vốn huy động thực hiện đầu tư phát triển và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 khoảng 1.046 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 236,707 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 688,780 tỷ đồng, ngân sách huyện 101,413 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp: 3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 16,760 tỷ đồng… Tổng mức đầu tư toàn huyện (từ năm 2016-2020): ngân sách nhà nước 146,583 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 64ha đất, thực hiện đầu tư nạo vét 71 công trình kênh mương, tổng chiều dài 215,855km; nâng cấp xây dựng 4 tuyến đê bao, với tổng chiều dài 10.755m; nâng cấp, xây dựng mới đường giao thông nội đồng 30 công trình, tổng chiều dài 43,4km. Toàn huyện có 96 trạm bơm phục vụ 17.000ha, trong đó diện tích phục vụ tiêu úng sản xuất vụ 3 là 7.475ha.

Từ nguồn vận động xã hội hóa, đã xây dựng 24 cầu nông thôn, với tổng kinh phí 46,266 tỷ đồng, chiều dài các cầu 869m (805m cầu bê-tông, 64m cầu sắt). Trong đó có 16 cây cầu thuộc chương trình Tạp chí Nông thôn Việt do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động tài trợ.

Thới gian tới, An Phú tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền vận động để đội ngũ cán bộ và nhân dân hiểu rõ hơn về mục đích, nội dung và ý nghĩa xây dựng NTM, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia duy trì và nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM đã đạt được, hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong giai đoạn tới. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng NTM”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Chú trọng phát huy vai trò hệ thống chính trị ở cơ sở trong xây dựng NTM, đô thị văn minh, Huyện ủy tăng cường lãnh, chỉ đạo để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và các tổ chức cơ sở Đảng, thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn Đảng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức. Phát huy vai trò MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu trong xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Tăng cường hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trong đó tập trung hỗ trợ kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm; linh hoạt trong ứng phó thời tiết, dịch bệnh. Đặc biệt, tuyên truyền người dân hiểu được vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, đô thị văn minh; có quyền ra quyết định lựa chọn các công trình, các hoạt động cần ưu tiên trong xây dựng NTM, đô thị văn minh.

MTTQ các cấp thực hiện tốt nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh đến các cơ quan Đảng, chính quyền có biện pháp giải quyết, tháo gỡ. Quan tâm tình hình tư tưởng cán bộ ở cơ sở, người hoạt động không chuyên trách cấp xã/ấp để động viên, tạo điều kiện hỗ trợ để họ an tâm công tác. Quan tâm công tác tuyên truyền với nội dung thiết thực, hình thức phong phú; phối hợp các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở và các cấp, ngành liên quan để triển khai sâu rộng các phong trào của tỉnh, huyện và địa phương tới đoàn viên, hội viên, nhân dân. Thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động Quỹ Vì người nghèo và công tác an sinh xã hội. Tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội để góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và gắn với quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí.

HỮU HUYNH