An Phú tăng cường ứng phó sạt lở

25/09/2019 - 07:52

 - Nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, huyện An Phú là nơi đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp từ tác động của lũ từ thượng nguồn đổ về. Hiện nay, mực nước lũ lên nhanh và diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở diễn ra nhiều nơi. Huyện An Phú tăng cường theo dõi và triển khai nhiều giải pháp ứng phó mưa lũ và phòng, chống sạt lở, giảm thiệt hại và đảm bảo an toàn đời sống nhân dân.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện An Phú đã xảy ra sạt lở ở 6 đoạn với tổng chiều dài 1.020m, xâm thực từ 5 - 10m, ảnh hưởng 12 nhà dân cần di dời, gồm: 2 đoạn ở ấp Vĩnh Bình và ấp Vĩnh Thành (xã Vĩnh Trường), 2 đoạn ở ấp Quốc Khánh (xã Quốc Thái), 1 đoạn ở khu dân cư ấp Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Lộc), 1 đoạn ở ấp Bình Di (xã Khánh Bình). Đặc biệt, sạt lở ở xã Vĩnh Trường diễn ra liên tục trong thời gian gần đây, huyện đang khắc phục đoạn sạt lở lộ giao thông nông thôn dài 340m. Ngày 26-8 đã triển khai các hạng mục đóng cừ, kè đá, gia cố chống sạt lở đê bao xã Vĩnh Trường với tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng. Dự kiến, công trình hoàn thành trong 2 tháng, sẽ khắc phục tình trạng sạt lở gây xâm thực đê Vĩnh Trường. 

Kiểm tra tình hình sạt lở ở huyện đầu nguồn An Phú

Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng cho biết, tình hình sạt lở diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và các địa phương tiếp tục theo dõi, cảnh báo vùng nguy cơ sạt lở để vận động người dân chủ động di dời đến nơi an toàn. Trước mắt, tạm thời gia cố những đoạn sạt lở bằng cừ tràm, chất chà để giảm áp lực nước. Hiện nay, hệ thống đê bao bảo vệ sản xuất vụ thu đông của huyện kết hợp lộ giao thông nông thôn, cùng với 13 cống ngăn, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất khi có lũ. Cùng với đó, toàn huyện có 22 trạm bơm công suất lớn đảm bảo tiêu úng cho 15 tiểu vùng sản xuất vụ thu đông, với tổng diện tích 7.956ha. Huyện đang tiếp tục giao mốc thi công thêm 2 trạm bơm tiêu (trạm Cây Xây, Cần Lá) để đảm bảo tiêu úng kịp thời cho vùng sản xuất 5 xã bờ tây sông Hậu.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), kết quả quan trắc vừa qua cho thấy, toàn tỉnh có 52 đoạn sông (trong tổng chiều dài đo đạc 169.330m) cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm (tăng 1 đoạn), trong đó có 6 đoạn rất nguy hiểm cần lưu ý. Số đoạn cảnh báo có tăng nhưng không thay đổi về vị trí và có xu hướng tăng về chiều dài, tăng mức độ nguy hiểm; xảy ra sạt lở nhiều ở các sông, kênh, rạch nhỏ.

Sở TN&MT cảnh báo trên địa bàn huyện An Phú có nguy cơ sạt lở ở các vị trí: khu vực xã Quốc Thái (2 đoạn sạt lở với tổng chiều dài 4.000m), đoạn xã Phú Hữu dài 1.400m (dự báo sẽ xảy ra sạt lở mạnh vào mùa khô tới do là đường bờ vách đứng, cao so mực nước; trong khi dòng chảy áp sát bờ, phía đối diện đang bồi lắng mạnh), đoạn ở Cồn Cóc (xã Phước Hưng) dài 1.200m (quan trắc đáy sông có dạng chữ V, lệch sang bờ Phước Hưng, sâu -16m khi cách bờ 40m), đoạn cảnh báo sạt lở ở xã Vĩnh Lộc (dài 1.800m, có dấu hiệu gia tăng về phía hạ nguồn với vết sạt sâu 5m, dài 200m), ở xã Vĩnh Trường có 3 đoạn cảnh báo sạt lở dài 3.200m (tăng 600m, trong đó đoạn cảnh báo mới dài 300m nằm phía hạ nguồn cách UBND xã 1km thuộc ấp Vĩnh Bình, với vách sạt thẳng đứng và dự báo sạt lở còn tiếp diễn).

Với tình hình thời tiết, mưa lũ bất thường, dự báo tình hình sạt lở sẽ tiếp diễn ở những khu vực cảnh báo là rất cao. Sở TN&MT khuyến cáo các sở, ngành, địa phương tăng cường theo dõi, cảnh báo người dân; có giải pháp bảo vệ đường bờ ở những nơi cua cong, có kế hoạch nạo vét, chỉnh trị dòng chảy và phương án di dời người dân ra khỏi nơi xung yếu. Đối với những nơi có nguy cơ sạt lở, chủ động thực hiện các giải pháp: giảm tải trọng đường bờ (cấm hoặc hạn chế phương tiện lưu thông, di dời nhà hoặc vật kiến trúc…), có giải pháp kỹ thuật để chuyển hướng và giảm áp lực dòng chảy, chắn sóng.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích