An Phú tập trung giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia

31/07/2024 - 06:27

 - Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa quan trọng. Các nguồn vốn từ chương trình tập trung đầu tư cho địa bàn khó khăn, góp phần phát triển sinh kế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện An Phú trao mô hình sinh kế “Nuôi bò thịt” và “Nuôi dê sinh sản” cho 87 hộ nghèo, cận nghèo và 34 hộ mới thoát nghèo các xã Quốc Thái, Phú Hội, Vĩnh Trường và thị trấn Đa Phước. Trong đó, thị trấn Đa Phước thực hiện mô hình sinh kế “Nuôi dê sinh sản”, 3 xã còn lại thực hiện mô hình “Nuôi bò thịt”.

Theo đó, mỗi hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhận 2 con bò giống hoặc 5 con dê giống, tương đương 20 - 25 triệu đồng, tổng số tiền hỗ trợ trên 2,85 tỷ đồng. Sau hơn 12 tháng nuôi, người dân có thể xuất bán và hoàn vốn 20% mức hỗ trợ mua bò giống theo quy định (tương đương 5 triệu đồng đối với hộ nghèo, cận nghèo; 4 triệu đồng đối với hộ mới thoát nghèo)…

Ông Nguyễn Văn Tuyết (hộ nghèo ngụ thị trấn Đa Phước) vui mừng cho biết: “Mô hình “Nuôi dê sinh sản” rất dễ chăm sóc vì dê không kén thức ăn, kỹ thuật chăm sóc không khó. Tôi cũng khuyến khích mọi người nuôi dê và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm bản thân về kỹ thuật chăn nuôi dê. Tôi quyết tâm chăm sóc đàn dê thật tốt, vì đây là nguồn thu nhập phát triển kinh tế gia đình”.

Còn   ông A Phô, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, xã Vĩnh Trường phấn khởi: “Hiện nay, 2 con bò của tôi đều khỏe mạnh, nếu đến lứa xuất bán, tôi sẽ tiếp tục tái nuôi bò, để phát triển kinh tế gia đình. Tôi nhận thấy, mô hình nuôi bò rất hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương”.

Kiểm tra mô hình sinh kế “Nuôi bò thịt” ở xã Vĩnh Trường

Dự án đa dạng hóa sinh kế giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có nguồn sinh kế lâu dài, tạo thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tiến tới thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện An Phú…

Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện An Phú, việc triển khai nguồn vốn thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM) và triển khai vốn đầu tư công được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Cụ thể, đối với nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có tổng vốn hơn 21,1 tỷ đồng. Trong đó, vốn năm 2023 chuyển tiếp hơn 7,7 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 6,6 tỷ đồng.

Về nguồn vốn Chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có tổng mức đầu tư 3,6 tỷ đồng, gồm 7 dự án. Trong đó, vốn năm 2023 chuyển sang năm 2024 hơn 1,2 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 37 triệu đồng. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có tổng vốn hơn 28,8 tỷ đồng, trong đó, vốn năm 2023 chuyển sang trên 8,3 tỷ đồng, đã giải ngân 3,9 tỷ đồng… 

Chủ tịch UBND huyện An Phú Trang Công Cường đã chủ trì hội nghị rà soát tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và vốn đầu tư công. Cùng dự có các phó chủ tịch UBND huyện, ban, ngành và lãnh đạo 14 xã, thị trấn. Hội nghị tập trung thảo luận giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai các mô hình, dự án, nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân đạt yêu cầu. Lãnh đạo các xã, thị trấn đề nghị ban, ngành huyện thường xuyên kiểm tra hỗ trợ các dự án do xã, thị trấn làm chủ đầu tư để đảm bảo thực hiện đúng quy định…

Chủ tịch UBND huyện An Phú Trang Công Cường và các phó chủ tịch UBND huyện cho rằng, tiến độ triển khai thực hiện các hạng mục công trình và giải ngân các nguồn vốn còn chậm. Đề nghị ban, ngành huyện và các xã, thị trấn khẩn trương rà soát; những nội dung còn vướng mắc của cơ sở phải được hướng dẫn tháo gỡ kịp thời; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trên tinh thần giải ngân hết nguồn vốn theo kế hoạch. Đối với các chương trình, dự án đã phê duyệt, cần quyết tâm hơn, phấn đấu trong quý III/2024 phải hoàn thành các đầu công việc; quá trình thực hiện phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

HỮU HUYNH