An Phú xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội

14/03/2019 - 09:04

 - Ban Chấp hành Đảng bộ huyện An Phú tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những công trình huyết mạch như: cầu Long Bình - Chrey Thom, cầu Phú Hội… nhất là tuyến Quốc lộ 91C được nâng cấp, mở rộng và Tỉnh lộ 957 trong giai đoạn hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế biên giới.

Tăng cường công tác xây dựng Đảng

Khánh An là xã điểm đầu tiên của huyện An Phú đạt chuẩn nông thôn mới, sau hơn 1 năm được công nhận, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Hệ thống đường giao thông được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Tuyến đường nối từ Quốc lộ 91C vào trung tâm xã được láng nhựa bằng phẳng, đây là công trình đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Những ngôi nhà được xây dựng khang trang, Trung tâm thương mại xã hoạt động nhộn nhịp, hàng hóa trao đổi qua lại 2 bên biên giới Việt Nam - Campuchia sôi động… Có được kết quả này nhờ vào sự chung sức, chung lòng giữa “ý Đảng - lòng dân” trong xây dựng địa phương.

Lãnh đạo tỉnh và huyện An Phú kiểm tra các công trình giao thông huyết mạch kết nối An Phú phát triển

Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng, đổi mới nội dung sinh hoạt cấp ủy, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đảng bộ huyện tăng cường lãnh đạo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Các phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện 146 mô hình với kinh phí gần 67 tỷ đồng.

Năm 2018, An Phú vận động quỹ "Vì người nghèo" trên 16 tỷ đồng, qua đó cất mới, sửa chữa 229 căn nhà Đại đoàn kết, trợ giúp khó khăn, khám chữa bệnh cho người nghèo và giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên 22.000 lượt người. Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo trên địa bàn huyện đã thực hiện 21 phần việc, với kinh phí hơn 10,8 tỷ đồng. Công tác dân vận chính quyền và lực lượng vũ trang phát huy hiệu quả, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm, phát động và thực hiện tốt phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện An Phú luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Tổng diện tích gieo trồng năm qua 41.591ha, trong đó lúa 33.624ha, màu 7.967ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 254.785 tấn; năng suất bình quân cả năm đạt 6,37 tấn/ha… Dự án WB9 (chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững) tổng mức đầu tư trên 651 tỷ đồng. Đến nay, đã họp dân công bố chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại 3 xã bờ Đông sông Hậu (xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc và Phú Hữu). Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thu hút vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, triển khai 6 nhóm sản phẩm, trong đó canh tác lúa an toàn sinh học từ 400 - 600ha, trồng rau màu trong nhà màng, nhà lưới 8ha… mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.

Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng cho biết, huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Khánh An và Đa Phước, các xã còn lại đều đạt từ 8 tiêu chí trở lên; phấn đấu đến cuối năm 2020, huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong tổng số 12 xã thực hiện. Hiện, đang triển khai xây dựng 15 cầu nông thôn, với tổng kinh phí 15 tỷ đồng. Đang thi công 5 cầu, 10 cầu còn lại chuẩn bị thi công, phấn đấu hoàn thành 15 cầu trong năm 2019. Ngoài ra, huyện đang làm thủ tục xây dựng cầu An Phú - Vĩnh Lộc, xây dựng tuyến giao thông nối liền huyện An Phú với TX. Tân Châu qua cửa ngõ bờ Đông sông Hậu. Ngoài ra, có 99 danh mục công trình đầu tư xây dựng với kế hoạch vốn hơn 211 tỷ đồng, thi công hoàn thành và giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Toàn huyện có 947 cơ sở sản xuất - kinh doanh, với tổng vốn đầu tư 45,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2.076 lao động. An Phú đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế biên giới. Đồng thời, vận dụng cơ chế, chính sách tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân vay vốn đầu tư, nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn và tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững.

Huyện An Phú có 42.269 gia đình văn hóa (đạt 94% tổng số hộ toàn huyện), 57/58 ấp văn hóa, 28/34 ấp điểm sáng văn hóa biên giới, 115/120 cơ quan văn hóa và 8/8 chợ trật tự vệ sinh, văn minh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và trên tuyến biên giới ổn định; duy trì tốt mối quan hệ hữu nghị với chính quyền và lực lượng vũ trang phía bạn Campuchia

 

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích