An sinh xã hội trong điều kiện dịch bệnh, thiên tai

14/06/2021 - 05:27

 - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, An Giang tăng cường thực hiện nhiều biện pháp mạnh nhằm siết chặt biên giới, kiểm soát nội địa, tập trung quản lý người về từ vùng dịch. Đồng thời, có giải pháp bảo đảm ổn định đời sống nhân dân trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh.

Siết chặt quản lý

Huyện An Phú (tỉnh An Giang) có đường biên giới dài hơn 42,5km, tiếp giáp với 2 tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia). Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nơi đây được xem là điểm “nóng” về người xuất, nhập cảnh trái phép.

Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp cho biết, tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, thời gian qua, các lực lượng chức năng cùng nhân dân huyện An Phú chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phong trào “Toàn dân chống dịch” và nhận được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ.

An Phú đã rà soát địa bàn, khai báo y tế đối với những người về từ vùng dịch trong nước. Ngày 10-6, qua rà soát, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các xã, thị trấn đã ra quyết định cách ly tại nhà 24 người. Trung tâm Y tế huyện phối hợp với BCĐ xã Phú Hội điều tra, truy vết và đưa 2 người về từ TP. Hồ Chí Minh đi cách ly y tế tập trung tại khu cách ly thị trấn An Phú; ra quyết định cách ly tại nhà 2 người…

Cũng như huyện An Phú, các địa phương trong tỉnh tiếp tục kiên trì phương châm chống dịch là ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các trường hợp về từ vùng dịch, các trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung về địa phương tiếp tục cách ly tại nhà, có giải pháp theo dõi, cách ly phù hợp và đúng quy định. Các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ tại các nhà trọ, cơ sở lưu trú; tăng cường kiểm soát các khu cách ly tập trung, không để xảy ra tình trạng người trốn khỏi khu cách ly và lây nhiễm chéo tại khu cách ly.

Khu vực biên giới tăng cường lực lượng thường xuyên kiểm tra, không để nhập cảnh trái phép. Tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức về phòng, chống dịch bệnh và phát hiện, tố giác các đối tượng vượt biên và vận chuyển người vượt biên trái phép.

Nếu nghi ngờ người từ nước ngoài về thì báo ngay chính quyền địa phương, đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp “5K” theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Từ tháng 2-2021 đến nay, các tổ, chốt kiểm soát tại 5 địa phương biên giới của tỉnh An Giang đã phát hiện, xử lý trên 150 vụ, với hơn 1.400 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép; điều tra, khởi tố hàng chục đối tượng có hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép…

Chăm lo đời sống

Để bảo đảm ổn định đời sống nhân dân trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã ký công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung theo dõi, cập nhật diễn biến dịch bệnh COVID-19 và các diễn biến thiên tai, như: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, sạt lở đất... qua các phương tiện thông tin đại chúng và chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho người dân chủ động phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại đời sống dân sinh.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội và các loại hình cơ sở khác trên địa bàn quản lý, đảm bảo thực hiện đúng, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với cán bộ, nhân viên và đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng ở cơ sở theo đúng quy định của ngành y tế.

Chủ động lên phương án, kịch bản chi trả trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội linh hoạt, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai, dịch bệnh COVID-19 theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả trong điều kiện sự hỗ trợ từ bên ngoài gặp nhiều hạn chế. Đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu vực cách ly do dịch bệnh và dự kiến nơi sơ tán cho người dân bị ảnh hưởng do thiên tai. Chuẩn bị trang thiết bị, máy móc cần thiết để đo thân nhiệt, phân loại các đối tượng.

Cùng với đó, đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về kỹ năng ứng phó với thiên tai, ý thức tự giác trong thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, lưu ý lồng ghép hoạt động hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Huy động nguồn lực tại chỗ cứu trợ kịp thời cho người dân, ổn định đời sống trước, trong và sau thiên tai; hướng dẫn nhân dân chủ động gia cố nhà cửa, dự phòng lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các vật dụng thiết yếu khi mùa mưa bão đến.

Theo dõi, tổng hợp báo cáo nhanh tình hình thiệt hại, các nhu cầu cấp bách cần hỗ trợ cũng như đề xuất các phương án hỗ trợ cho cơ quan có thẩm quyền để chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ theo quy định. Trong đó, ưu tiên nhóm đối tượng là người có công, gia đình chính sách, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi và các đối tượng trợ giúp xã hội khác…                

HỮU HUYNH