An toàn phòng dịch trong trường học

03/10/2022 - 07:04

 - Xây dựng trường học an toàn, trang bị cho học sinh các kỹ năng đảm bảo an toàn cho bản thân, đặc biệt an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các bệnh mới nổi, bệnh truyền nhiễm… là vấn đề rất quan trọng, trách nhiệm không riêng ngành giáo dục, y tế, mà của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, cả nước “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, phục hồi và phát triển kinh tế, khôi phục đời sống văn hóa, xã hội. Nhờ đẩy mạnh tiêm vaccine và nỗ lực ngăn chặn, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đất nước quay trở lại cuộc sống bình thường; hơn 20 triệu học sinh, sinh viên cả nước phấn khởi bước vào năm học mới.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, chuẩn bị năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) chủ động nắm chắc tình hình, dự báo dịch COVID-19 để xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên… Tất cả cùng chăm lo để nhà trường là nơi an toàn nhất để học sinh được học tập, vui chơi.

Tiêm vaccine cho học sinh

Theo đó, ngành GD&ĐT chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa và ứng phó tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác (sởi, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, bệnh truyền nhiễm…) trong trường học, xây dựng môi trường học tập an toàn.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Phú (tỉnh An Giang) Võ Hoàng Lâm cho biết, nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, các trường trên địa bàn huyện chủ động phối hợp ngành y tế tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, các nhà trẻ, trường mẫu giáo về lợi ích của việc tiêm chủng vaccine, các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, COVID-19 và các dịch bệnh khác…

Đặc biệt, các trường phát động tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ mũi 3, mũi 4 cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi; chú trọng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ. Tổ chức định kỳ tổng vệ sinh, khử khuẩn môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy). Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Cùng với đó, vệ sinh môi trường, phòng dịch trong các cơ sở giáo dục và khu vực xung quanh, nhất là mùa mưa bão. Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, phụ huynh học sinh tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch. Phối hợp với ngành y tế hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh vệ sinh khử khuẩn, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh trường, lớp; vệ sinh cá nhân, phòng, chống dịch bệnh. Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa mưa lũ, nhất là ở các vùng đầu nguồn, vùng bị ảnh hưởng thiên tai.

“Chúng tôi chủ động thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh trường, lớp; vệ sinh cá nhân, phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị, để kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý hiệu quả” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Văn Liêm (TP. Long Xuyên) Đoàn Trí Thơ nhấn mạnh.

Rửa tay khử khuẩn khi vào trường

An Giang tăng cường thực hiện hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống dịch và tuyên truyền lợi ích tiêm vaccine phòng COVID-19 đối với những người có nguy cơ cao, nhất là trẻ em; vận động phụ huynh đưa con em đi tiêm chủng và vận động người dân tiêm đúng lịch, an toàn.

Tiếp tục tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay-chân-miệng và các dịch bệnh khác trong trường học, chú trọng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc. Chủ động phối hợp ngành y tế địa phương để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại đơn vị, các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống bệnh tay-chân-miệng và các dịch bệnh trong trường học; bảo đảm các trường có đủ các phương tiện rửa tay, xà bông, nước sạch, tạo thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên. Đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh lớp học, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày...

Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu các trường bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn. Về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, các trường cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, học sinh; tăng cường phối hợp liên ngành trong triển khai, kiểm soát tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em và học sinh.

 

HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích