Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Cambridge, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Như vậy, tổng số người không qua khỏi đại dịch COVID-19 ở Anh hiện là 45.365 trường hợp.
Thông báo ngày 27-10, cơ quan y tế Anh cho biết trong 24 giờ qua cũng có thêm 22.885 người cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 917.575 người.
Giám đốc y tế của Cơ quan Y tế công cộng Anh - Tiến sĩ Yvonne Doyle cảnh báo rằng số các ca tử vong ghi nhận theo ngày sẽ còn tiếp tục xu hướng tăng mạnh "trong một thời gian".
Tại CH Cyprus, 3 quan chức chính phủ đã buộc phải cách ly sau khi tiếp xúc với một trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo một thông báo chính thức ngày 27-10, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Yiannis Karousos, Bộ trưởng Quốc phòng Charalambos Petrides và Thứ trưởng Vận tải biển Vasilis Demetriades cuối tuần trước đã cùng tham gia một cuộc họp với quan chức chính quyền thành phố Limassol ở miền Nam, cũng là nơi đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Một thành viên tham gia cuộc họp sau đó đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
CH Cyprus hiện phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai, với số ca mắc mới theo ngày lên tới 300 trường hợp vào tuần trước, trong khi dân số tại đây chỉ là 1,2 triệu người. Trong tuần này, tuy số ca mắc mới COVID-19 đã giảm xuống còn khoảng 100 ca, nhưng vẫn nhiều hơn gấp đôi so với số ca nhiễm cao nhất được ghi nhận trong giai đoạn đầu của dịch bệnh (từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 6 vừa qua). Hiện nước này ghi nhận 3.871 bệnh nhân COVID-19, trong đó 25 trường hợp đã tử vong.
Trong bối cảnh thế giới đang phải vật lộn để kiềm chế đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia như Pháp, Trung Quốc, Nga, Anh và Mỹ đang chạy đua để tìm ra một loại vaccine hiệu quả để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 19-10, đã có 198 vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 đang được phát triển trên toàn thế giới, trong đó có 44 vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel ngày 27-10 đã kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) phối hợp với các đối tác, áp dụng phương pháp xét nghiệm kháng nguyên trong nội bộ liên minh để có thể phát hiện nhanh hơn virus SARS-CoV-2.
Theo ông Michel, chỉ trong vòng vài tuần, tình hình dịch bệnh tại châu Âu đã diễn biến rất đáng lo ngại. Vì thế, các nước thành viên cần phải nỗ lực hết sức để tránh xảy ra thảm kịch.
Hiện hầu hết các nước châu Âu hiện sử dụng phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử PCR để xác định các trường hợp mắc COVID-19. Phương pháp này cho kết quả vài ngày sau khi tiến hành xét nghiệm, nhưng kết quả đáng tin cậy hơn so với phương pháp kháng nguyên. Mặc dù vậy, Chủ tịch EC Michel lập luận rằng làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 đang ập đến, do đó các nước nên ưu tiên áp dụng phương pháp xét nghiệm cho kết quả nhanh hơn.
Theo Báo Tin Tức