Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Hiện nay, dải hội tụ nhiệt đới có trục vào khoảng 14-17 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp có vị trí lúc 7h ngày 7-8 vào khoảng 14,8-15,8 độ Vĩ Bắc; 113,8-114,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 270-370km về phía Đông Nam.
(Ảnh: Windy)
Một chuyên gia khí tượng có nhận định ban đầu về vùng áp thấp như sau:
"Hiện tại, áp thấp còn yếu nên các dự báo còn rất khác nhau về cả cường độ lẫn quỹ đạo. Khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) là có và sẽ hướng về phía Quần đảo Hoàng Sa và sau đó là đảo Hải Nam (Trung Quốc) trong 24-48 giờ tới.
Xa hơn nữa, ATNĐ còn diễn biến rất phức tạp. Bản thân các mô hình dự báo cũng thay đổi nhiều so với chính nó ở phiên dự báo trước. Áp thấp này sẽ khiến những người làm công tác dự báo phải đau đầu khi xác định hướng di chuyển”.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin thêm: Trong 24h tới, vùng áp thấp hầu như ít di chuyển và có khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 8/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 15,5-16,5 độ Vĩ Bắc; 114,0-115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150-250km về phía Đông Đông Nam và chưa có khả năng tác động gây gió mạnh, mưa lớn cho đất liền các tỉnh miền Bắc.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, trong ngày và đêm 7/8, ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh, gió giật mạnh cấp 8.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong ngày và đêm nay, ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-4m; biển động. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh./.
Theo BÌNH MINH (VOV)