"U Hà méo" là chủ quán quen thuộc với nhiều thực khách phố cổ. Bà Hà (tên thật Trần Thị Thu Hà) nổi tiếng vì "bán gì cũng đông". Có thời gian, gia đình bà sáng bán phở, trưa bán bún chả, tối bán đồ nướng, khách ra vào nườm nượp cả ngày.
Trước Covid-19, bà Hà nổi tiếng nhất với món phở bò, thường được khách gọi là phở mặn phố Gầm Cầu. Phở đậm đà, được đánh giá là mặn hơn nhiều nơi và mức giá cũng khá cao nhưng quán luôn kín chỗ, thường xuyên phải chờ đợi nếu tới vào dịp cuối tuần.
Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, bà Hà đóng cửa tiệm phở sáng, khiến nhiều thực khách tiếc nuối. "Cũng không có lí do nào đặc biệt cả. Làm phở bò vất vả nên giờ tôi có tuổi rồi, hơi lười. Hiện tôi phụ các con làm bún chả và đồ nướng. Có thể năm tới khi hết lười tôi sẽ mở lại quán", bà Hà thoăn thoắt ướp mẻ thịt nướng và chia sẻ.
Hàng ngày, bà Hà và vợ chồng con trai bán bún chả phục vụ khách từ 9h sáng tới 14h chiều. Theo bà Hà, gia đình bán phở từ năm 1981 và bán bún chả khoảng hơn chục năm. Hiện tại, con trai và con dâu bà Hà phụ trách đứng bếp, quản lý việc kinh doanh. Tuy nhiên, bà Hà vẫn là người ướp nguyên liệu, pha nước chấm để tạo nên hương vị đặc trưng của quán.
Anh Lê Quang Long, con trai bà Hà chia sẻ: "Mẹ tôi nổi tiếng kĩ tính trong việc chọn nguyên liệu và ướp gia vị. Từ kích cỡ miếng thịt, tỉ lệ nạc mỡ, loại dầu hào, đường, mắm... bà đều cầu kỳ. Bà khó tính nên vợ chồng tôi và nhân viên không bao giờ dám lơ là".
Tháng 9 vừa qua, trong chuyến ghé thăm Hà Nội, "vua đầu bếp" Christine Hà cũng đã tới thưởng thức bún chả Gầm Cầu. Nữ đầu bếp gốc Việt nhận xét: "Thịt lợn của quán được nướng hoàn hảo".
Bức ảnh do "vua đầu bếp" Christine Hà chụp và chia sẻ trên mạng xã hội
Theo bà Hà, để làm chả ngon phải dùng thịt lợn quê. Với chả thịt miếng chỉ chọn loại ba chỉ nạc xen mỡ. "Mỗi tảng thịt ba chỉ thường chỉ lấy được một nửa để làm chả miếng thôi. Phần còn lại, thịt và mỡ tách rời, khi thái sẽ không đẹp, nướng lên cũng không còn ngon. Miếng chả ngon phải có thịt, mỡ đan xen lượng vừa phải, ăn không quá ngấy cũng không quá khô, trong mềm, đậm đà, ngoài vàng giòn", bà Hà nói.
Thịt mua về sẽ được sơ chế sạch, lọc bớt mỡ rồi thái bằng máy để kích cỡ đồng đều. Bà Hà ngồi trong quán trực tiếp ướp từng mẻ thịt với dầu hào, đường, hành khô, muối và massage đều tay. Ướp tới đâu, nhân viên đóng gói kín tới đó rồi bảo quản ngăn mát trước khi nướng. "Gia vị ướp thịt của nhà tôi rất đơn giản. Tuy nhiên, để chả ngon thì thịt nhất định phải tươi, được mổ rồi dùng trong ngày", bà Hà cho hay.
Các công đoạn làm chả được diễn ra ngay tại quán, thực khách có thể theo dõi. Khi thịt ướp đủ thời gian sẽ được kẹp vào vỉ, nướng sơ để chín 60%. Tới khi khách gọi món, nhân viên nướng lại lần hai để bên ngoài vàng ruộm, hơi sém lửa, mỡ chảy xèo xèo, mùi thơm tỏa ra nức mũi, nóng hổi. Quán nướng lửa to và đều tay để tiêu bớt phần mỡ, tránh miếng chả bị ngán.
Anh Long, con trai bà Hà thường là người trực tiếp làm chả băm. Thịt được băm đủ mỡ đủ nạc, đem ướp gia vị rồi vo thành viên tròn. "Thịt băm nhà mình sẽ trộn thêm hạt tiêu để dậy mùi thơm", anh Long nói. Khi đặt vào vỉ, anh Long để thêm miếng lá xương sông cắt nhỏ giúp tăng mùi thơm và chả không bị cháy.
Phần nước chấm đều do bà Hà pha. Không chia sẻ cụ thể công thức nhưng bà cho biết, để nước chấm ngon phải dùng nước mắm "xịn". Bà thường chọn nước mắm cá cơm Phú Quốc hoặc Nha Trang, độ đạm 30-35. Các gia vị như tỏi, ớt cũng chọn kĩ, tỏi ta tự bóc tự băm, ớt bống cay đặc trưng của Huế.
"Thực khách bây giờ tinh và kỹ tính lắm, mình làm không ngon thì họ không bao giờ quay lại", bà Hà nói.
Vợ chồng anh Long nhẩm tính, mỗi ngày quán bán vài trăm suất. "Chúng tôi không tính cụ thể nhưng mỗi ngày bán độ 1 tạ bún và 50kg thịt chả", họ nói. Mỗi suất bún giá 50.000 đồng.
Quán đông nhất là 11h30-13h trưa. Khách ngồi kín các bàn, lượng người giao hàng cũng tập trung nhiều.
Theo đánh giá của nhiều thực khách, món chả ở đây bên trong mềm, thấm gia vị, không ngấy, thịt tươi nên ngọt. Loại chả viên thơm mùi tiêu, lá xương sông. "Tuy nhiên nếu đi giờ trưa thì quán đông, chờ rất lâu. Nhiều hôm phần chả có thể do nướng vội nên quá tay, thịt bị sém, quắt lại", anh Hưng, một thực khách cho biết. "Tôi hay ăn tầm 11h, lúc ấy chả tươi ngon, lượng khách vừa phải", anh nói thêm.
Ngoài ra, nước chấm tại quán có phần hơi chua.
Theo Vietnamnet