Bác sĩ thẩm mỹ - “họa sĩ” của cuộc sống

27/02/2020 - 10:11

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2020), chúng tôi có dịp lắng nghe Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền (sinh năm 1970, quê quán TP. Long Xuyên, chủ cơ sở thẩm mỹ Thanh Tuyền tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Long Xuyên) chia sẻ tâm tình.

Để nói về công việc đang làm, tôi gói gọn trong 3 từ: kỳ vọng cao. Tạo hình và thẩm mỹ là một công việc đòi hỏi phải có: nghệ thuật cao, tư duy cao, tập trung cao, tinh xảo cao, an toàn cao... Trước khi bắt tay vào làm việc, tôi thường tự hỏi bản thân có bỏ sót điều gì, còn phải học hỏi thêm những gì không, để tự hoàn thiện mình mỗi ngày. Đặc biệt, đây là công việc hội tụ cả về khoa học và nghệ thuật, nên tôi rất tập trung trong quá trình thực hiện từng công đoạn, thao tác.

Tôi cảm thấy rất hãnh diện với công việc tôi đang làm hàng ngày. Thành công của tôi không phải đạt đến mục tiêu to lớn, mà tôi thành công khi thấy mình tự tin hơn, làm việc hiệu quả hơn, có nghĩa là thành công của tôi được tính theo từng ngày, từng tháng. Tạo hình thẩm mỹ có thể mang đến một vẻ đẹp “như mơ” cho khách hàng.

 Tuy nhiên, đây cũng là một khía cạnh của y học, liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Hoạt động thẩm mỹ không phải là cọ vẽ lên trang giấy vô tri vô giác. Ngược lại, từng bác sĩ phải cảm nhận, chăm chút tỉ mỉ cho chính “tác phẩm” của mình. Trên thực tế, đôi khi “bức tranh” được hoàn thành không như ý muốn, do rất nhiều điều kiện ngoại cảnh khách quan tác động, bác sĩ khó kiểm soát trong tầm tay.

Điều đó tạo nên nét khắc nghiệt cho công việc này. Sự oái ăm ở nghề bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ là vừa làm thầy vừa làm thợ. Thầy thuốc của người dân và người thợ điêu khắc của những vị khách khó tính. Để cân bằng, để dung hòa, để tồn tại là cả một quá trình trải nghiệm những thực tế tàn nhẫn, chứ không như một giấc mơ nghệ thuật được.

Đấy là chưa kể, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ còn là chủ một cơ sở, giám đốc, tức là phải đảm nhiệm công việc của một doanh nhân trên thương trường. Nếu là doanh nghiệp của bạn, bạn phải tự bước đi. Đồng nghiệp hay nhân viên có thể đi cùng, nhưng không ai có thể bước giùm. Bạn phải đứng lên giải quyết tất cả mọi vấn đề, mọi nghịch cảnh. Chính vì thế, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ vừa phải giỏi tay nghề, am hiểu kinh doanh, làm tốt ở nhiều cương vị, chức trách.

“Chúng tôi điêu khắc gương mặt bên ngoài, bên trong hay đằng sau khuôn mặt?” – đó là câu nói tôi cảm thấy đúng nhất với công việc mình đang làm. Nghề của chúng tôi ẩn chứa đầy tính nhân văn, khi thay đổi diện mạo, diện tướng của khách hàng, bằng sự tái tạo lại đường nét cơ thể, đường nét khuôn mặt thông qua sự hỗ trợ của những công nghệ hiện đại trong ngành phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ. Từ đó, giúp họ khắc phục được tình trạng mũi thấp, mắt sụp mi, ngực lép, bụng thừa da thừa mỡ…, giúp họ đẹp hơn, tự tin hơn trong cuộc sống.

Tôi muốn nhắn gửi đến tất cả phụ nữ, rằng: Hãy yêu bản thân mình, hãy làm đẹp cho mình, cho đời. Tuy nhiên, phải biết điểm dừng, phải biết đủ và không lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ.

AN KHANG

 

Liên kết hữu ích