An Giang là vùng đất của sông nước hữu tình, hơn 2.500km đường thủy, đặc biệt sông lớn bao quanh các cù lao, hệ thống kênh rạch nổi tiếng (Vĩnh Tế, Thoại Ngọc Hầu, T4, T5, T6...) tạo điều kiện cho DL sông nước phát triển. Bên cạnh đó, địa phương được thiên nhiên ưu đãi “kỳ quan Thất Sơn”, tạo nên phong cảnh DL hấp dẫn (núi Sam, núi Cấm, núi Cô Tô, núi Két, núi Sập...).
Những ngọn núi này không chỉ là cảnh đẹp thiên nhiên, mà còn gắn liền với nhiều di tích lịch sử khắc sâu vào tâm linh của người dân đồng bằng Nam bộ. Một điểm nhấn khác, An Giang có rất nhiều lễ hội đặc sắc. Cộng đồng các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa...) có nét sinh hoạt văn hóa, lễ hội riêng, nhưng vẫn đóng góp vào kho tàng phong phú về lễ hội tại tỉnh. Đây chính là yếu tố hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 9 tỉnh, thành phố đạt doanh thu DL từ 10.000 tỷ đồng trở lên. An Giang không nằm trong danh sách này, nhưng lại đứng đầu trong nhóm “doanh thu khá”, xếp trên tỉnh Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình, nhờ thành tích đón khoảng 6 triệu lượt du khách; doanh thu từ DL ước đạt 3.900 tỷ đồng (tăng 37% so cùng kỳ, đạt 71% kế hoạch năm). Càng về cuối năm, số lượng càng có dấu hiệu chững lại.
Tuy nhiên, tính chung, năm 2023, An Giang đón khoảng 8,5 triệu lượt khách (tăng 13% so cùng kỳ, ước đạt 106% kế hoạch). Trong đó, khoảng 700.000 lượt khách lưu trú khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, nhà trọ; khách quốc tế ước đạt 22.000 lượt (tăng 120% so cùng kỳ, ước đạt 183% kế hoạch). Doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 5.900 tỷ đồng (tăng 26% so cùng kỳ, ước đạt 107% kế hoạch).
Từ đầu năm đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh đón hơn 4,1 triệu lượt khách, tăng 2,5% so cùng kỳ, đạt 46% kế hoạch năm 2024. Tổng doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 4.500 tỷ đồng (con số đột biến trong 1 quý), tăng 80% so cùng kỳ, đạt 73% kế hoạch năm. “Đã có lúc, DL An Giang chen chân vào tốp 6 toàn quốc, doanh thu đứng thứ 10. Nhưng rất nhiều câu hỏi đặt ra, khi số lượng khách DL đến An Giang rất lớn, nhưng nguồn thu chưa tương xứng.
Lấy ví dụ, năm 2023, ước tính rất nhiều đoàn khách lớn (mỗi đoàn 5 -7 chiếc xe, mỗi xe 50 chỗ) đến tham quan, nhưng khách chỉ chi tiêu chưa đến 700.000 đồng trong suốt quá trình DL tại tỉnh. Có thể lý giải tình trạng này là do tỉnh khai thác DL phần lớn trên cơ sở tín ngưỡng tâm linh, hành hương, trải nghiệm. Du khách không có nhiều nhu cầu chi tiêu, mua sắm” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Khánh Hiệp chia sẻ.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp cũng nhìn nhận rằng, nguyên nhân sâu xa là do An Giang đang vướng vào một vòng lẩn quẩn: Tỉnh không thu hút được nhà đầu tư, chưa có sản phẩm DL chất lượng cao, dĩ nhiên sẽ chưa thể có nguồn khách DL chất lượng cao. Một khi không nhìn thấy tiềm năng khách DL chất lượng cao, nhà đầu tư sẽ không tìm đến. Vòng lẩn quẩn này càng kéo dài thì quá trình phát triển DL của tỉnh càng bị động.
“Giả sử chúng ta có hệ thống khách sạn 5 sao, trung tâm mua sắm, khu vui chơi cao cấp, khách có thể chi tiêu vài triệu đồng là chuyện bình thường. Tiếc rằng, chúng ta chưa đầu tư được, khách muốn chi tiêu cũng không biết chi tiêu vào việc gì” - Giám đốc Sở VH-T&DL An Giang Nguyễn Khánh Hiệp nhấn mạnh.
Hiện nay, giải pháp hữu hiệu được ngành chuyên môn đề ra là những gì trong tầm tay có thể thực hiện thì tỉnh nên ưu tiên thực hiện. Trước mắt, cần khắc phục điểm yếu về cảnh quan, vệ sinh môi trường; tăng cường quản lý Nhà nước ở khu, điểm DL. Trách nhiệm, vai trò lớn nhất của địa phương là tăng cường mời gọi nhà đầu tư, nguồn vốn đầu tư tư nhân.
Một số khu DL tiềm năng như Óc Eo chưa phải sản phẩm thu hút khách đại trà, chỉ mới dừng lại ở khách quốc tế, chuyên gia, khách yêu thích DL khảo cổ. Do đó, khai thác tốt hơn những điểm DL này sẽ góp phần tăng nguồn thu DL. Về phía mình, ngành VH-TT&DL tiếp tục nghiên cứu, đề ra giải pháp, tham mưu UBND tỉnh cải thiện môi trường, tăng nguồn thu cho DL tỉnh nhà.
Theo Kế hoạch 407A/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành DL đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, An Giang phấn đấu tăng tỷ lệ đóng góp trực tiếp của ngành DL trong GRDP của tỉnh lên 15,3% vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân 5%/năm, đón 12,9 triệu lượt khách vào năm 2025; tăng tỷ trọng khách lưu trú lên 30%/tổng lượt khách vào năm 2025, số ngày lưu trú bình quân là 3 ngày. Đến 2025, có thêm ít nhất 1 khu DL văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu DL trọng điểm và thành phố lớn như Long Xuyên, Châu Đốc.
Để thực hiện mục tiêu trên, An Giang đề ra 6 nhiệm vụ chủ yếu, gồm: Cơ cấu lại thị trường khách DL; củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến DL; phát triển nguồn nhân lực DL theo cơ cấu hợp lý; cơ cấu lại doanh nghiệp DL; cơ cấu lại nguồn lực phát triển DL; sắp xếp, kiện toàn hệ thống quản lý DL.
AN KHANG