Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh đào tạo, tập huấn đội ngũ làm công tác thông tin - truyền thông để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Sớm tham mưu Chính Phủ ban hành nghị định về kết nối chia sẻ dữ liệu, để các bộ, ngành trung ương thực hiện kết nối các hệ thống trung ương và địa phương theo “Khung kiến trúc Chính phủ điện tử”. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh triển khai hạ tầng công nghệ thông tin trong phát triển “chính quyền số” và xây dựng các kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu lớn...
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tặng đoàn công tác của Bộ Thông tin – Truyền thông bức tranh “Đền thờ Bác Tôn” được làm bằng lá thốt nốt
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đánh giá cao việc triển khai các hoạt động thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông ở An Giang. Trong đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo lập môi trường làm việc điện tử, nâng cao năng lực lãnh, chỉ đạo và điều hành của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Theo đó, đồng chí thứ trưởng yêu cầu tỉnh cần tạo khung chính sách hỗ trợ để thu hút nguồn lực để phát triển lĩnh vực thông tin - truyền thông, cũng như mỗi năm dành 1% ngân sách đầu tư cho hoạt động thông tin - truyền thông; trong triển khai các dự án, đề án cần đảm bảo an toàn, lâu dài, hiệu quả để hướng tới xây dựng chính quyền điện tử…
An Giang hiện có trên 17 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát; 156 điểm phục vụ bưu chính. Tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đã đạt 100% trên toàn tỉnh; trên 60% dân số sử dụng thiết bị thông minh.
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, đã tạo môi trường làm việc điện tử; phát triển hệ thống hội nghị trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã; cấp trên 14.000 tài khoản thư điện tử cho các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC); lắp camera giám sát an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông…
Tất cả doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đăng ký khai báo thuế qua mạng; ngành Hải quan tỉnh thực hiện thông quan điện tử, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi giải quyết thủ tục… Đặc biệt, tỉnh đã triển khai mô hình “phòng họp không giấy” ở một số địa phương.
Tỉnh đã xây dựng trục kết nối hệ thống phần mềm một cửa của tỉnh với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, để thuận lợi cho CB-CC-VC trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, cụ thể: kết nối với cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai một cấp và đang kết nối cơ sở dữ liệu hộ tịch, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp thông qua trục kết nối quốc gia.
Cùng với đó, tất cả các sở, ngành và cấp huyện phối hợp Bưu điện tỉnh thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. Tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bưu chính, chuyển phát, xây dựng hạ tầng logistics để phát triển thương mại điện tử…
Tin, ảnh: HỮU HUYNH