Bánh của ngày xưa

08/06/2024 - 17:20

 - Chỉ 4 từ ấy thôi, đã gợi lên biết bao cảm xúc, đưa "người quê năm cũ" về những miền ký ức. Nắm bắt tâm lý ấy, nhiều lễ hội bánh dân gian, bánh truyền thống được tổ chức, làm sống lại những món ăn tưởng chừng đã... “hết thời”.

Không gian ẩm thực bánh truyền thống dân tộc An Giang được tổ chức vào chiều tối 8/6 là một hoạt động điển hình, do Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phối hợp UBND phường Mỹ Bình (TP. Long Xuyên) tổ chức.

Không gian ấy đem đến sự hoài niệm, thân thuộc hết mực về những món bánh gắn liền với tuổi thơ người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, An Giang nói riêng. Phần lớn là món ăn dân dã, chế biến từ các loại bột phổ biến. Những chiếc bánh khọt nhỏ xíu, ôm trong lòng chút nước cốt dừa, chút hành, chút tép tôm, chút thịt…

Bánh đúc mặn mềm mềm, béo béo, ăn kèm với tôm khô, thịt bằm, rau dưa, nước mắm chua ngọt.

Bánh ú nước tro lá tre gợi nhớ đến ngày Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch), Lột vỏ ngoài, bên trong là chiếc bánh màu vàng trong, có vị lạt, thơm thoang thoảng mùi lá, mềm dẻo như miếng thạch rau câu, cắn vào lại ngọt ngào vị bùi của đậu xanh.

Những chiếc bánh tét, bánh ú mi-ni vừa thu hút sự chú ý của thực khách, vừa “khéo” khoe tài gói bánh của nghệ nhân. Gói bánh kích cỡ bình thường đã khó, gói theo hình dạng nhỏ xíu thế này càng tốn công, càng cần đôi tay lành nghề gấp nhiều lần.

Nhiều phiên chợ quê được phục dựng lại, bày bán các loại bánh dân gian, người bán cũng áo bà ba khăn rằn đúng chất miệt vườn sông nước. Nhưng đâu đó vẫn đậm nét hiện đại, ví dụ như hệ thống bếp gas cải tiến, giúp thợ đổ 10 cái bánh xèo mỗi lượt, phục vụ nhu cầu mua bán nhanh hơn.

Còn người thợ nào muốn giữ lại trọn vẹn nét truyền thống ngày xưa, thì cứ một mình tỉ mỉ với chiếc bếp củi, chắt chiu đổ từng khuôn bánh. Người mua đủ kiên nhẫn chờ, sẽ nhận lại những cái bánh chứa đầy hương vị miền Tây.

Còn người thợ nào muốn giữ lại trọn vẹn nét truyền thống ngày xưa, thì cứ một mình tỉ mỉ với chiếc bếp củi, chắt chiu đổ từng khuôn bánh. Người mua đủ kiên nhẫn chờ, sẽ nhận lại những cái bánh chứa đầy hương vị miền Tây.

Mỗi loại bánh đều mang theo mình câu chuyện xa xưa của nghệ nhân, của vùng quê nơi chúng sinh ra. Một trong những món bánh truyền thống được nhiều người ưa chuộng là bánh Kà Tum của nghệ nhân Neáng Phương (huyện Tri Tôn, đồng bào dân tộc thiểu số Khmer).

Nguyên liệu làm bánh Kà Tum gồm gạo nếp, đậu trắng, dừa, đường, muối… Bánh sau khi gói xong, được nấu trong nước sôi khoảng 30 - 45 phút, sau đó vớt ra, chần qua nước lạnh rồi để ráo.

Kà Tum trong tiếng Khmer có nghĩa là "quả lựu", với kích thước nhỏ, thân vuông tròn và có hoa trên đỉnh đầu. Làm bánh Kà Tum, khâu mất thời gian nhất là vỏ bánh.

Vỏ bánh được sử dụng lá thốt nốt non để gói. Từng lá thốt nốt chia nhỏ thắt thành khung bánh hoàn toàn thủ công, chỉ chừa một lỗ nhỏ để cho nguyên liệu vào. Một chiếc bánh đẹp là vỏ ngoài vuông góc các mặt, các mấu nối đan khít không lộ nhân ra ngoài.

Một cậu bé thích thú với chiếc bánh Kà Tum vừa được mẹ mua cho. Trông xa xa, chiếc bánh như mô hình côn trùng bằng lá, chấp chới bay lượn trong buổi chiều tà.

Bánh bò thốt nốt nướng Ha Cô là loại bánh truyền thống nổi tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm An Giang. Nghệ nhân Rô Phi Á dành nhiều năm ngồi bên bếp củi, giữ lửa cho món bánh đặc sắc của dân tộc mình. 

Sau khi chảo nóng, bột bánh ủ đường thốt nốt được cho vào. Bên trong chiếc chảo bằng đất nung, bánh hấp thụ đủ sức nóng sẽ tự chín, phồng lên như chiếc nón, khá đẹp mắt. 

Khó ở chỗ, phải canh lượng bột và thời gian nướng bánh để bánh chín đều, vàng ươm. Chiếc bánh nào vừa “ra lò” đều được khách nhanh tay mua hết, chẳng kịp để nguội.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Lệ (giữa) lại mang đến câu chuyện về món bắp đùm của xứ Chợ Mới. Hồi xưa, đời sống khó khăn, ông bà của bà lấy bắp vụn xát ra rồi đâm nát, thêm gia vị (đường, dừa, muối), trộn chúng lại, đem hấp chín, làm món ăn vặt cho con cháu trong nhà.

Khác với món bắp hầm, bắp chà, món bắp đùm khi hấp chín sẽ có vị thơm của lá chuối, vị ngọt béo của dừa nấu chín. Gần 20 năm món bánh được bà Lệ bán vòng vòng quanh nhà, lần đầu tiên xuất hiện tại lễ hội bánh thế này.

Không gian ẩm thực bánh truyền thống dân tộc An Giang diễn ra trong 3 ngày (8, 9, 10/6/2024), tại công viên hồ Nguyễn Du. Thời gian mở cửa từ 8 đến 22 giờ mỗi ngày, tạo không gian vui chơi, giải trí phục vụ cho người dân trong và ngoài tỉnh vào những ngày cuối tuần.

Mỗi người thợ, người bán, người ăn sẽ có cảm nhận riêng mình trong không gian pha trộn giữa quá khứ và hiện tại, giữa mới và cũ, giữa truyền thống và tân thời. Nhưng trên hết, là nhắc họ gìn giữ những điều người xưa một lòng gửi lại mai sau, là tấm lòng thơm thảo của ông bà thế hệ trước đong đầy trong từng chiếc bánh, để đời sau nghe ngọt vị yêu thương.

GIA KHÁNH