Bột và mật mía được trộn vào nhau theo tỷ lệ 1 cân bột 8 lạng mật
Xã Đào Xá không chỉ nổi tiếng bởi lễ hội rước voi truyền thống có lịch sử trên 400 năm mà còn nổi tiếng bởi một món đặc sản hiếm nơi nào có là bánh tẻ mật. Đây là món ăn cổ truyền, quen thuộc, gần gũi với người dân làng Đào Xá và cũng là thứ bánh để lại nhiều ấn tượng lạ, sâu sắc cho du khách về với miền đất giàu truyền thống văn hóa này.
Hai người phụ nữ cùng đảo hỗn hợp bột đều tay trên bếp lửa
Dung dị như tên gọi của mình, bánh tẻ mật được làm từ hai nguyên liệu chính là bột gạo tẻ và mật mía. Gạo tẻ ngon nghiền mịn kết hợp với mật mía sánh đặc, nâu màu cánh gián sẽ tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt. Lá chuối tươi rửa sạch hơ qua lửa cho nheo lại một chút, một chiếc khuôn hình trụ tròn có đường kính 10 cm để kéo bánh.
Công đoạn đổ bột, gói bánh trong lá chuối
Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Đào Xá, bột gạo tẻ được cho vào nồi gang, rưới mật mía với tỷ lệ một cân gạo tám lạng mật, dùng đũa cả quấy trước cho hỗn hợp hòa quyện lại với nhau. Sau đó, bắc nồi đảo đều tay trên lửa vừa cho bột đặc lại. Thông thường, hai người cùng đảo vì khi bột từ từ đặc lại sẽ rất nặng tay. Những người phụ nữ làng Đào Xá luân phiên nhau đảo nồi bánh làm sao để hỗn hợp quyện lại, không bị vón cục cũng không bị sống.
Canh lửa cũng là điều vô cùng quan trọng. Nếu lửa quá to, bột dễ bị khét. Nếu lửa quá nhỏ lại sợ không đạt được độ dẻo như mong muốn. Khi hỗn hợp ngả sang màu vàng nâu, tỏa hương thơm ngọt dịu tức là bánh đã chín. Hai người phụ nữ cầm tai nồi đổ vào chiếc nong đã lót sẵn lá chuối. Tranh thủ khi bánh còn nóng, mềm, những người đàn ông tay khỏe sẽ gói lá chuối rồi kéo chiếc bánh qua lại trong một dụng cụ hình trụ tròn để tạo hình. Bánh dâng cúng phải có hình trụ tròn, đường kính khoảng 10cm, dáng thẳng đứng, không được vát cũng không được siêu vẹo. Như thế mới đạt tiêu chuẩn của chiếc bánh tẻ mật bày trên mâm cỗ dâng Thành hoàng làng.
Ngoài cách làm trên, bánh tẻ mật còn được gói thành những chiếc bánh nhỏ như chúng ta thường hay ăn. Mỗi cái chỉ to hơn nắm tay một chút, bọc trong lá chuối khô. Sau đó, người làm sẽ mang đi hấp bánh một lần nữa cho chín hẳn. Dù làm như thế nào, bánh tẻ mật truyền thống ở Thanh Thủy cũng điều không có nhân.
Bánh tẻ mật trên mâm cỗ thờ có màu nâu, hình trụ tròn, đường kính 10 cm
Ông Nguyễn Ngọc Thanh (Khu 4, xã Đào Xá) cho biết: “Đây là loại bánh cổ truyền của người làng Đào Xá có từ hàng trăm năm. Đây cũng là món không thể thiếu khi dân làng làm mâm cỗ thờ đang lên Thành hoàng làng vào mỗi dịp lễ hội rước voi hằng năm”.
Bánh tẻ mật gói là chuối khô có kích thước nhỏ sử dụng trong cuộc sống hằng ngày
Bánh tẻ mật phải ăn nguội mới thấy hết vị ngon. Bánh tẻ mật có màu sắc vàng như mật ong, tỏa ra hương thơm dịu dàng. Vị bánh vừa thơm thảo đặc trưng của gạo tẻ ngon, vị ngọt thanh của mật mía. Cắt bánh thành từng miếng nhỏ, nhón tay lấy miếng bánh cắn một cái thôi sẽ thấy vị ngọt ngào đọng lại nơi đầu lưỡi, nhâm nhi chút trà nóng sẽ thưởng thức được trọn vẹn điều thi vị của món ăn dân dã này.
Từ bao đời này, người làng Đào Xá, Thanh Thủy hay làm món bánh tẻ mật đãi khách phương xa hoặc trong các dịp hội làng. Cuộc sống hiện đại ngày nay dễ làm người ta tạm quên đi những thứ bình dị, gần gũi. Thưởng thức món bánh tẻ mật gợi nhắc con người ta nhớ về quãng đời tuổi thơ tuy khốn khó mà tươi vui, róc rách những dòng ký ức ngày còn chăn trâu cắt cỏ, được bà được mẹ mang cho miếng bánh gói trong bọc lá chuối khô. Cùng với các lễ hội truyền thống, ẩm thực thôn quê khiến cho mọi người con Thanh Thủy thêm yêu, tự hào về mảnh đất quê hương đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.
Theo Báo Phú Thọ