Báo An Giang - những nhịp cầu ý nghĩa

15/02/2021 - 00:00

 - 2020 là một năm rất khác so mọi năm, khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, làm thay đổi toàn bộ nhịp sống, nhịp làm việc và ý thức cộng đồng của thế giới và trong nước. Nằm trong guồng quay đó, Báo An Giang có bước thay đổi để phù hợp thực tế, phát huy tối đa vai trò của một cơ quan báo chí, đồng hành cùng tỉnh nhà vượt qua khó khăn.

Quỹ Xã hội - Từ thiện Báo An Giang được UBND tỉnh vinh danh

Nhịp cầu đồng hành phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Thời điểm giãn cách xã hội hoặc lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, điều công chúng cần nhất là thông tin chính thống, sự lên tiếng của báo chí, đặc biệt là báo chí địa phương. Độc giả liên tục gọi điện cho đường dây nóng Báo An Giang thông báo những địa điểm kinh doanh, dịch vụ còn mở cửa, đông khách tới lui; việc phát hiện người lạ mặt xuất hiện trên địa bàn biên giới; tìm hiểu về chế độ dành cho người lao động khi phòng, chống dịch bệnh; những thông tin thất thiệt đang lan truyền trên mạng xã hội… Họ nhiệt tình truy tìm đối tượng trốn cách ly tập trung; chia sẻ liên tục các tin, bài về dịch bệnh do Báo An Giang đăng tải. Hơn bao giờ hết, Báo An Giang đón nhận sự quan tâm, tương tác cao từ độc giả.

Chính điều đó càng làm tập thể tòa soạn tiếp tục giữ vững tinh thần “xung kích” trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Phóng viên có mặt “trên từng cây số”, luôn trong tâm thế sẵn sàng tác nghiệp, ở bất cứ nơi đâu. Tạm gác nhịp công tác thường ngày, phóng viên lăn xả vào những “điểm nóng”, theo chân các đoàn công tác kiểm tra phòng, chống dịch bệnh, gắn bó với những tổ, chốt ở biên giới, phản ánh tâm tư và sinh hoạt của người dân trong ứng phó với đại dịch; vừa tác nghiệp, vừa giữ an toàn cho bản thân. Tốc độ bài viết đăng tải được đẩy nhanh hơn trước rất nhiều, nhằm mang đến thông tin nhanh nhất, chính xác nhất cho độc giả. Có lúc phóng viên đã hoàn thành tác phẩm, lại buộc lòng thay đổi nội dung trước khi đưa đến với độc giả, bởi các thông tin, sự kiện bị thay đổi liên tục, cần cập nhật. Nhưng “linh hoạt” vốn là đặc trưng của nghề báo. Điều quan trọng hơn cả, chúng tôi muốn chuyển tải chân thực về “cuộc chiến” này bằng những điều tích cực, bằng sự đoàn kết đồng lòng của cả tỉnh, không đưa thông tin theo kiểu “giật gân”, câu khách. Tin, bài ưu tiên cho chất lượng thông tin (đủ dữ kiện, xác thực) để tránh gây hoang mang dư luận, hơn là “nhanh nhảu đoảng”.

Tập thể Báo An Giang và nhiều cá nhân phóng viên đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh ghi nhận công sức đồng hành phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bằng những lời biểu dương, khen ngợi và bằng khen. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh đã biểu dương, đánh giá cao hiệu quả tuyên truyền của Báo An Giang, khẳng định phóng viên Báo An Giang đã xung kích, dấn thân, có rất nhiều tin, bài phản ánh kịp thời trong lĩnh vực này. Đó là động lực,  niềm khích lệ, giúp Báo An Giang nỗ lực hơn nữa cho hành trình khơi thông dòng chảy thông tin phòng, chống dịch bệnh.

Đại diện Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang trao xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi. Ảnh: HNĐ

Nhịp cầu chia sẻ lòng nhân ái

Báo An Giang luôn là nhịp cầu thân thiết kết nối, sẻ chia yêu thương từ những tấm lòng nhân ái đến với các hoàn cảnh khó khăn, đau ốm, bệnh tật. Nhịp cầu ấy luôn sẵn sàng thực hiện sứ mệnh ngay khi phóng viên Báo An Giang đi công tác đến tận cơ sở, hay thông qua những người có uy tín ở địa phương giới thiệu những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đều tìm đến, xác minh, phỏng vấn, trao đổi và viết bài kêu gọi. Chúng tôi rất vui khi các bài báo được đăng tải, đã có bạn đọc đến trực tiếp tòa soạn ủng hộ hoặc hỏi thăm trực tiếp địa chỉ hoàn cảnh của nhân vật để đến nhà giúp đỡ. Nhiều hoàn cảnh nhờ sự trợ giúp kịp thời của bạn đọc gần xa đã có thêm điều kiện, nghị lực vượt qua nghịch cảnh và xây dựng lại cuộc đời mới thật tươi sáng, hạnh phúc.

Đó là câu chuyện được xem là  “kỳ tích” giữa đời thường. Vào những ngày đầu năm 2019, em Nguyễn Văn Xẹo (22 tuổi, ngụ ở tổ 1, ấp Tân Đông, xã Mỹ Phú Đông, Thoại Sơn) trên đường đi làm về đến thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn) không may bị một chiếc xe khác gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy. Được người thân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, nơi đây Xẹo được chẩn đoán xuất huyết não cần chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để có thể cứu được tính mạng. Cả gia đình, bà con gom góp tiền lại mới có thể đóng đủ tiền tạm ứng cho Xẹo. Trong lúc cần đến nhiều tiền hơn để phẫu thuật, Chủ tịch UBMTTQVN xã Mỹ Phú Đông Đào Thanh Sang đã nhờ đến phóng viên Ngọc Giang của Báo An Giang viết bài kêu gọi nhiều người giúp đỡ. May mắn thay, ngay sau khi bài viết đăng trên Báo An Giang đã có nhà hảo tâm ở TP. Hồ Chí Minh đến trực tiếp bệnh viện để giúp một phần chi phí. Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc đã nhờ tòa soạn chuyển giúp số tiền 6,7 triệu đồng. Từ số tiền trên kết hợp thêm tiền vay mượn bà con, gia đình đã có đủ tiền lần lượt cho Xẹo thực hiện phẫu thuật. Dì Tư của Xẹo là cô Võ Thị Thúy Kiều (người trực tiếp chăm sóc Xẹo) chia sẻ:  “Cháu tôi giữ được mạng sống đã là một điều may mắn và càng may mắn hơn là sau phẫu thuật Xẹo chỉ bị mất trí nhớ tạm thời trong thời gian ngắn. Chỉ sau vài tháng, cháu đã bình phục hẳn. Đến giờ đã trở lại cuộc sống bình thường và đang đi làm công nhân cho xưởng gạch ở Bình Dương. Thỉnh thoảng, Xẹo gửi tiền về cho mẹ ruột, nhờ mẹ trông giúp đứa con trai 30 tháng tuổi. Bởi trước đó, vợ của Xẹo đã bỏ nhà ra đi. Từ một người đang ở ngưỡng cửa tử mà nay được trở lại cuộc sống bình thường thật là điều kỳ diệu, niềm hạnh phúc lớn lao đối với cả gia đình”.

Đại diện Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang trao tiền hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Ảnh: HNĐ

Không được hạnh phúc viên mãn như hoàn cảnh trên, một số hoàn cảnh được trợ giúp đã phần nào vơi bớt những khó khăn trong lúc thắt ngặt. Chính trong gian khó, khổ đau, bất hạnh, những phẩm chất đạo đức, sự hy sinh, yêu thương lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, tình cảm ruột thịt cha con, nghĩa tình chồng vợ sáng ngời… làm ai biết đến câu chuyện cũng rất đỗi cảm phục. Đó là tấm lòng hiếu thảo của anh Hà Thanh Hải (47 tuổi, ngụ tại số 26/13 khóm Trung Thạnh, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) khi quyết chí đi làm công tại Vũng Tàu để kiếm tiền lo cho người cha là Hà Văn Bân. Ông Bân là người tài xế  “xe ôm” tuổi đã ngoài 70 nhưng ngày nào cũng miệt mài đón khách tại trạm xe bus gần cổng Tòa soạn Báo An Giang, không may bị tai nạn trên đường chở khách. Cú đâm mạnh làm ông Bân gãy xương chân phải. Định kiếm tiền cho cha làm phẫu thuật, vậy mà chưa được mấy đồng, anh Hải đã bị đột quỵ và té ngã từ xe gắn máy xuống đất. Từ đó, anh bị chấn thương, tổn thương não nghiêm trọng. Nhờ số tiền bạn đọc giúp đỡ hơn 10 triệu đồng, ông Bân có thêm chi phí phẫu thuật, chân đến nay đã đi lại được, còn anh Hải thì đến nay kém may mắn hơn vẫn nằm một chỗ, chưa có sự thuyên chuyển.

Phóng viên Báo An Giang tác nghiệp tại khu cách ly tập trung

Mỗi người một số phận, không ai có thể giải quyết “bài toán” của cuộc đời mình trong một sớm một chiều, nhưng nhờ sự tương trợ của các nhà hảo tâm, mà ở một thời điểm nhất định họ đã vượt qua sự thắt ngặt, túng quẫn, để rồi sau đó họ có thêm nghị lực vượt khó, tìm kiếm việc làm và cải thiện đời sống gia đình. Trân quý lắm những tấm lòng nhân ái, bạn đọc, quý doanh nghiệp, tổ chức gần xa trong và ngoài tỉnh đã đồng hành cùng Báo An Giang trong nhiều năm qua. Báo An Giang sẽ tiếp tục là cầu nối, chuyển tải những cuộc đời, số phận, tình yêu thương giữa người cho và người nhận để cuộc sống này được bớt khổ, thêm vui.

GIA KHÁNH - NGỌC GIANG 

Năm 2020, Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang tiếp nhận trên 530 triệu đồng từ bạn đọc hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Trong đó, CLB Thứ Bảy (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) hỗ trợ 207 triệu đồng. Từ số tiền này và trích quỹ Xã hội - Từ thiện Báo An Giang, đã chuyển đến tận tay 171 hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật (trên 560 triệu đồng); ủng hộ địa phương và trường học tổ chức trao học bổng, phát thưởng cuối năm, quỹ “Vì người nghèo”, “Cây mùa xuân”, hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng thiên tai... gần 20 triệu đồng.