Bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường

11/02/2022 - 07:50

Sau khi học sinh ở một số địa phương trên cả nước quay trở lại trường học trực tiếp, không ít phụ huynh lo lắng khi thấy nhiều học sinh và giáo viên mắc Covid-19, mất thời gian đưa, đón con. Việc thông tin đầy đủ các kế hoạch bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường sẽ giúp cho phụ huynh yên tâm.

Giờ học trực tiếp đầu tiên sau đợt giãn cách xã hội của học sinh lớp 1A5 Trường tiểu học Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. (Ảnh Viết Chung)

Kế hoạch đưa học sinh trở lại trường học đã được các cấp, các ngành lên lịch trình cụ thể từ trước Tết. Để triển khai hiệu quả kế hoạch này, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành liên quan.

Vất vả bảo đảm an toàn trong trường học

Niềm vui khi con được trở lại trường của chị Nguyễn Hương Giang (Long Biên, Hà Nội) chẳng được bao lâu. Sau một buổi đi học, chị và các phụ huynh được giáo viên chủ nhiệm thông báo lớp của con có 2 học sinh thuộc diện F0, những học sinh thuộc diện F1 phải trở lại học trực tuyến. Chị Giang cho biết: Con đang học lớp 10, đã được tiêm mũi 2, chỉ lo con bị nhiễm bệnh, rồi về lây cho thành viên trong gia đình, nhất là ông bà đang có bệnh nền. Cùng chung tâm trạng lo lắng đó, chị Trần Phương Thảo (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Trước khi cho học sinh quay trở lại học, các trường nên tổ chức hoặc yêu cầu gia đình tự test nhanh trước khi con đến lớp. Việc làm này phần nào sẽ sàng lọc được F0, phụ huynh sẽ yên tâm hơn.

Nếu như trước đây học sinh cấp tiểu học học 2 buổi/ngày thì hiện nay các trường chỉ tổ chức dạy 1 buổi/ngày, đồng thời không tổ chức bán trú, căng-tin ăn uống trong trường. Yêu cầu này cũng được áp dụng đối với các trường đang tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Điều này khiến nhiều phụ huynh vất vả trong việc đưa đón con khi cả bố và mẹ đều đi làm xa. Anh Nguyễn Anh Tuấn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), phụ huynh có con tiểu học chia sẻ: Con học một buổi cho nên vợ chồng anh phải phân công nhau việc đưa đón, chuẩn bị cơm trưa và cho con nghỉ trưa. Vì vậy gia đình mong muốn nhà trường có giải pháp phù hợp để tạo thuận lợi cho học sinh.

Dù các trường đã thắt chặt biện pháp phòng dịch nhưng vẫn phát hiện ra nhiều ca F0, F1 là giáo viên và học sinh. Những ngày qua, thành phố Vinh là địa phương có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Do đó, UBND thành phố Vinh đã ra quyết định cho toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến từ chiều 9/2 đến khi có thông báo mới. Đồng thời yêu cầu các nhà trường điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp để thích ứng với hoàn cảnh mới. Theo báo cáo nhanh của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh, tính đến ngày 10/2, có 385 học sinh các bậc học cùng 40 giáo viên là F0. Số lượng F1 liên quan các ca nhiễm có khoảng 396 học sinh và 71 giáo viên.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, Thái Văn Thành cho biết: Khó khăn hiện nay ở Nghệ An là số học sinh trong một trường học rất đông, nhiều trường có hơn 1.000 học sinh. Vì vậy, nếu phụ huynh vẫn còn tâm lý chủ quan thì việc bảo đảm an toàn trong trường học rất vất vả. Trong khi đó, nếu học sinh không được đến trường, kéo dài việc học trực tuyến sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và việc tiếp thu kiến thức của học trò. Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động rà soát, đánh giá xác định nguyên nhân cụ thể của tình trạng gia tăng đột biến số ca nhiễm trên địa bàn; thống kê cụ thể số cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thuộc đối tượng F0, F1 để xây dựng phương án tổ chức dạy học phù hợp.

Linh hoạt trong dạy học và tạo thuận lợi cho phụ huynh

Cô giáo Đỗ Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) thừa nhận việc học 1 buổi/ngày gây ra nhiều bất cập cho phụ huynh nhưng phụ huynh cần cố gắng khắc phục trong thời gian đầu. Vì sau một thời gian dài học trực tuyến, học sinh quay trở lại trường còn e dè, tâm lý không được thoải mái, vì vậy việc học 1 buổi/ngày sẽ giúp các em quen dần với môi trường học tập trực tiếp. Trong trường hợp phát hiện ca F0 cũng sẽ hạn chế được thời gian tiếp xúc ở trường, lớp. Ban giám hiệu nhà trường quán triệt với giáo viên bảo đảm kiến thức cho học sinh, nhưng không vì thế mà đẩy nhanh tiến độ. Nếu thấy học sinh không tiếp thu được bài thì cần điều chỉnh nội dung và thời lượng cho phù hợp.

Linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh, nhiều trường học đã duy trì song song hai hình thức dạy trực tiếp với các học sinh có mặt ở lớp và dạy trực tuyến với các học sinh không thể đến trường. Thầy giáo Nguyễn Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, thành phố Vinh cho biết: Nhà trường có 11 học sinh là F0, trong đó có 15 học sinh và 2 giáo viên thuộc diện F1. Đây là việc đã được nhà trường lường trước và chuẩn bị kỹ càng để ứng phó. Vì vậy, ngay lập tức trường đã chuyển sang dạy trực tuyến với những lớp có học sinh F0 và khối 6 theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, đồng thời làm công tác tâm lý cho học sinh. Công tác vệ sinh khử khuẩn được thực hiện ngay sau đó. Học sinh sẽ được tiếp tục trở lại trường ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Theo các chuyên gia giáo dục, để an toàn nhất khi học sinh đi học trở lại, mỗi trường phải có phương án, kịch bản riêng, phân công rõ trách nhiệm của từng khâu, từng cá nhân để khi cần có thể xử lý tình huống một cách nhanh nhất. Cùng với đó, các nhà trường cần chuẩn bị cơ sở vật chất phòng, chống dịch một cách tốt nhất, tạo lòng tin cho phụ huynh khi đưa con em đi học trở lại. Nhiều phụ huynh cho rằng, đã đến trường là học sinh tiếp xúc với thầy cô, bè bạn, cho nên việc học một buổi hay hai buổi không có sự khác biệt nhiều. Vì vậy, các trường nên tổ chức ăn bán trú theo hình thức chia ca, giảm áp lực cho phụ huynh.

Thấu hiểu những khó khăn mà phụ huynh đang gặp phải, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, việc học sinh đến trường học một buổi hay bán trú cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau nhiều, do đó để tạo thuận lợi cho phụ huynh yên tâm làm việc và đưa đón con cái. Việc đưa học sinh quay trở lại học trực tiếp nên thực hiện đầy đủ, thống nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, các địa phương không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch, nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh. Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để quản lý học sinh học tập ở nhà, học tập ở trường cũng như việc đi lại hằng ngày. Theo dõi, quản lý sức khỏe của học sinh để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Theo QUỲNH NGUYỄN - THÀNH CHÂU (Nhân Dân)