Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang tiên phong chuyển đổi số

13/01/2022 - 04:50

 - Năm 2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang khẳng định vị thế, vai trò của cơ quan thực hiện chính sách an sinh xã hội, giữ vững vị trí tiên phong trong định hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Phóng viên Báo An Giang có cuộc phỏng vấn Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn xoay quanh kết quả này.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn

P.V: Xin ông cho biết kết quả đạt được khi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ tại đơn vị?

Ông Đặng Hồng Tuấn: Hiện nay, tất cả hoạt động nghiệp vụ của ngành đều được ứng dụng công nghệ thông tin, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian xử lý, tác nghiệp, góp phần giải quyết hồ sơ trước hạn cho người tham gia thụ hưởng. Đồng thời, giúp quản lý, nắm bắt kịp thời, chính xác số liệu của lĩnh vực nghiệp vụ. Từ đó hoạch định, định hướng kế hoạch sát hơn, thực hiện hiệu quả hơn các chỉ tiêu, mục tiêu nhiệm vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Điển hình, trong 2 tháng, Bảo hiểm xã hội tỉnh giải quyết cơ bản cho hơn 1.600 đơn vị, hơn 95.000 người lao động (NLĐ), số tiền gần 230 tỷ đồng (theo Nghị quyết 116/NQ-CP). Tiến độ giải quyết hồ sơ luôn nằm trong tốp đầu cả nước, nhờ Bảo hiểm xã hội tỉnh ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Việc kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) với các cơ sở khám, chữa bệnh tạo nên môi trường minh bạch và giám sát công khai.

P.V: Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang triển khai cài đặt ứng dụng “VssID- BHXH số” đạt hơn 101%. Ông vui lòng chia sẻ kinh nghiệm về kết quả nổi bật này?

Ông Đặng Hồng Tuấn: Để đưa ứng dụng “VssID- BHXH số” thực sự đi vào cuộc sống, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã đổi mới cách làm: Nói cho dân nghe, đưa cho dân nhìn, dân cảm nhận, rồi “dân hiểu, dân tin, dân làm”. Các văn bản truyền thông được chuyển thể thành bảng tóm tắt ngắn gọn, hình vẽ trên tờ rơi, mạng xã hội… Đồng thời, phối hợp các ngành, tổ chức công đoàn có đông lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ và đã tham gia BHXH, BHYT…

Kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị sử dụng lao động cài đặt ứng dụng “VssID-BHXH số”. Bảo hiểm xã hội từ tỉnh đến cấp huyện phân công viên chức phụ trách, hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động, đại lý thu, trường học làm đầu mối hướng dẫn trực tiếp; đến từng địa bàn để hướng dẫn, cài đặt cho nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT, giáo viên. Đồng thời, cài đặt trực tiếp cho cán bộ hưu trí trong kỳ chi trả lương hưu; cài đặt cho người dân trong dịp làm căn cước công dân...

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh, không thể tổ chức hội nghị tuyên truyền tập trung, Bảo hiểm xã hội tỉnh chuyển qua hội nghị trực tuyến, nhóm nhỏ qua Google meet, Zoom, qua livestream đến người dân. Điểm nhấn là “Cuộc thi tìm hiểu ứng dụng VssID-BHXH số” trực tuyến và trực tiếp qua mạng xã hội, tạo hiệu ứng tích cực. Cuộc thi thu hút gần 5.000 người tham dự; các thí sinh tự cài đặt VssID cho bản thân, giới thiệu và cài đặt VssID cho hơn 8.000 người.

Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ

P.V: Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang thực hiện kịp thời, “thần tốc” gói hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 116/NQ-CP. Đơn vị thực hiện thế nào trong giai đoạn giãn cách xã hội?

Ông Đặng Hồng Tuấn: Bên cạnh phát huy lợi thế từ ứng dụng công nghệ thông tin, cán bộ, công chức ngành BHXH đã đồng lòng, nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kịp thời đưa chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ này đến với NLĐ và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Xác định tính ưu việt, cấp bách của chính sách, để không chậm trễ, không bỏ sót quyền lợi NLĐ, 5 ngày đầu tiên, Bảo hiểm xã hội tỉnh hoàn thành thông báo giảm mức đóng cho 1.537 đơn vị (tương ứng 65.371 NLĐ) với số tiền tạm tính khoảng 40,6 tỷ đồng.

Trong tháng 10-2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang hoàn thành chi trả tận tay 91,8% NLĐ so với số rà soát dự kiến ban đầu (66.143/72.014). Có ngày cao điểm, đơn vị giải quyết trên 9.000 hồ sơ. Nỗ lực ấy giúp nhiều NLĐ nhận được tiền trước thời hạn quy định, họ rất hài lòng với việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của Bảo hiểm xã hội tỉnh.

P.V: Ông vui lòng chia sẻ giải pháp và kết quả của chương trình “Tặng thẻ BHYT - Chia sẻ yêu thương” trên địa bàn tỉnh?

Ông Đặng Hồng Tuấn: Người dân gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Cụ thể, hơn 85.000 người dân mất việc làm từ các địa phương khác phải về quê; hơn 77.000 người dân tại vùng đặc biệt khó khăn trước đây được ngân sách nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT, nay phải bỏ tiền mua thẻ BHYT. Vì thế, Bảo hiểm xã hội tỉnh phát động chương trình nhân văn “Tặng thẻ BHYT - Chia sẻ yêu thương”.

Chương trình được phát động vào cuối năm, nhưng các đơn vị, nhà hảo tâm rất nhiệt tình hưởng ứng, chung tay giúp người dân khó khăn. Mục tiêu trước mắt là trao tặng 2.500 thẻ BHYT. Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp nhận thông qua tài khoản thiện nguyện vừa được mở, với tiêu chí công khai, minh bạch. Ngoài số tiền cán bộ công chức viên chức trong ngành hỗ trợ (171 triệu đồng), hơn 20 ngày cuối năm, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 500 triệu đồng. Nguồn kinh phí này giúp các hoàn cảnh khó khăn có được thẻ BHYT để làm “phao cứu sinh” khi chẳng may ốm đau, bệnh tật.

P.V: Xin cám ơn ông!

HẠNH CHÂU (Thực hiện)

 

 

 

 

 

Liên kết hữu ích