Toàn cảnh cuộc họp sáng 27/9.
Chia sẻ tại cuộc họp về bão Noru (bão số 4) tại Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia sáng 27/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, hồi 10 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 310 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 - 15 (150 – 183 km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 – 25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 22 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167 – 183 km/giờ), giật trên cấp 17.
“Chúng tôi có trao đổi với cơ quan khí tượng của Nhật, từ giờ đến chiều tối 27/9, bão số 4 có thể mạnh lên, nếu là cấp 16 thì phải chuyển sang trạng thái cấp rùi ro thiên tai. Sau khi vào Biển Đông, bão tăng gần 3 cấp trong một ngày. Tất cả mô hình dự báo quốc tế, khi tiến gần đất liền, bão ít nhất là trên cấp 13, riêng Hoa Kỳ và Trung Quốc nhận định cường độ cao hơn có thể 1-2 cấp. Bão cách bờ 50 – 70 km vẫn giữ cấp 14 - 15, khi sát vào bờ vùng nước nông và do ma sát nên có thể giảm cấp, khi tiếp bờ có gió cấp 11-12. Thời điểm bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền là từ chiều tối 27/9, từ đêm 27/9 và rạng sang ngày 28/9 là lúc nguy hiểm nhất, gió mạnh nhất. Các địa phương chịu tác động lớn nhất là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên - Huế”, ông Mai Văn Khiêm cảnh báo.
Nguy cơ lớn nhất, nguy hiểm nhất lúc này là gió rất to, sóng rất lớn trên biển dọc theo vĩ độ 16 độ vĩ Bắc, là nơi bão đi qua có cường độ gió cấp 14-15, gió giật cấp 17, sóng cao 9-11m, có thể đánh đắm tất cả các tàu thuyền, kể cả tàu trọng tải lớn.
Các huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh do bão số 4.
Khoảng đêm 27/9 đến sáng 28/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 13 - 14, sóng biển cao 4 – 6 m, vùng gần tâm bão 6 – 8 m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng tổng cộng 3 – 4 m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Các khu neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và sóng lớn, đặc biệt khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định.
Phạm vi ảnh hưởng của bão số 4 là rất rộng; 9/14 tỉnh thành phố miền Trung, chịu ảnh hưởng trực tiếp; trong đó Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là 5 tỉnh/thành phố được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất, gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 15. Từ tối 27/9, ở đất liền bắt đầu chịu tác động của gió bão, thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ đêm nay đến sáng ngày 28/9.
Đánh lưu ý, dự báo bão số 4 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và bắc Tây nguyên, với lượng mưa dự báo đến 300 – 400 mm, có nơi trên 500 mm gây ra một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, đặc biệt là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nguy cơ ngập lụt: Tại Thừa Thiên Huế có 4/8 huyên với 58 xã; Quảng Nam có 6/18 huyện với 75 xã, Quảng Ngãi có 6/11 huyện với 74 xã có nguy cơ ngập lụt với độ sâu trung bình từ 0,3 - 0,6 m.
“Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn cùng với thuỷ triều vào ban đêm là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi của các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định. Cần đặc biệt lưu ý các huyện có nguy cơ rất cao: Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà (Thừa Thiên Huế); Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam); Sơn Tây, Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Hà (Quảng Ngãi); Đăklei, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông (Kon Tum)”, ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm thông tin về bão số 4, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn Lê Thanh Hải cho biết, đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 10 có bán kính khoảng 150 km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 100 km xung quanh mắt bão. Các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 4 có cường độ trên cấp 13, giật 17 khi vào gần bờ biển miền Trung.
“Bão số 4 chưa rõ ràng có thể lên đến cấp 16 - cấp siêu bão hay không, nhưng đang ở mức xấp xỉ siêu bão. Đây là cơn bão rất mạnh, bán kính gió mạnh cấp 12 trở lên, lưu ý Tây Nguyên đề phòng bão mạnh cấp 10-11, khả năng chống chọi bão tại các tỉnh Tây Nguyên kém hơn các tỉnh ven biển nên cần đặc biệt lưu ý. Đáng chú ý nhất là nước dâng do bão, ghi nhận của những cơn bão trước đó thì thiệt mạng do nước dâng do bão là nhiều nhất, nên cần theo dõi chặt chẽ, sát diễn biến của bão”, ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp sáng 27/9.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đây là cơn bão rất sức nguy hiểm, rất mạnh. Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia cần theo dõi sát diễn biến của cơn bão, mở rộng thêm dự báo ảnh hưởng của bão đối với các địa phương khác để tránh thiệt hại nhất có thể.
“Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cần phải tiếp tục theo dõi, cung cấp đầy đủ thông tin cho Ban chỉ đạo quốc gia, địa phương, chính quyền của địa phương cấp huyện xã, đặc biệt là huyện đảo Lý Sơn được dự báo là chịu tác động trực tiếp để có ngay các biện pháp và cung cấp thông tin vì trong thời gian ngắn từ nay đến chiều tối là chịu ảnh hưởng của bão rồi”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh thêm, dự báo của Việt Nam hiện cùng một số dự báo của đài quốc tế như Nhật Bản đã đưa ra các thông tin tương đồng. Tuy nhiên, cũng hết sức đề cao cảnh giác, tham khảo thêm các đài dự báo khác ở những nơi có cùng quỹ đạo. “Chúng ta không nâng cao quá mức nhưng cần tham khảo và đưa ra dự báo sát diễn biến để điều chỉnh kịp thời trước khi nó gây ảnh hưởng ở cấp độ cao hơn. Đồng thời, đưa ra các dữ liệu, thông tin để người dân nhận thức được tính nguy hiểm và phát huy vai trò ý thức để ứng phó, tránh những thiệt hại không đáng có”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo THU TRANG (Báo Tin Tức)