Khoảnh khắc công bố kết quả bầu cử đối với đoàn Việt Nam. Ảnh: Nhóm phóng viên TTXVN tại New York, Mỹ
Với việc lần thứ hai được bầu chọn làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao vị thế của ASEAN tại tổ chức đa phương lớn nhất giới này.
Theo bài viết, Việt Nam duy trì một nền chính trị ổn định và kinh tế ngày càng phát triển. Việc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 6,8% trong năm nay là minh chứng cho thành công của Việt Nam.
Bangkok Post cũng cho rằng Việt Nam đã nhận thức được các “lỗ hổng” của đất nước khi tiếp tục công cuộc hiện đại hóa và hội nhập kinh tế toàn cầu. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đã tự thích nghi và điều chỉnh để từng bước khẳng định mình trong khu vực. Với việc tiếp quản vị trí Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020 và được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam đang chuẩn bị một danh sách dài những việc cần làm trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại.
Theo bài báo, trong tuần trước, các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản đã tham dự hội thảo về nhiều chủ đề trong quan hệ song phương nhân Ngày ASEAN - Nhật Bản. Hội nghị lớn với sự tham dự của gần 400 đại biểu cho thấy Nhật Bản đánh giá cao vai trò điều phối của Việt Nam, cũng như tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
Hai bên cũng tổ chức các cuộc đàm phán nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược. Hai nước đang tìm kiếm các biện pháp phối hợp để phát triển quan hệ đối tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Nhật Bản đã cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra mới, cho phép Việt Nam tăng tần suất và hiệu quả tuần tra ven biển.
Các quốc gia khác gồm Mỹ, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia cùng Liên minh châu Âu (EU) cũng có kế hoạch hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực an ninh trên biển.
Ngoài ra, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng được nâng cao sau khi làm tốt vai trò nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai hồi tháng 2 vừa qua. Mặc dù Washington và Bình Nhưỡng không đạt được đồng thuận về kế hoạch phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nhưng Việt Nam đã trở thành một trong những chất xúc tác cho sự phát triển của Bán đảo Triều Tiên trong tương lai, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến kế hoạch kinh tế và quá độ.
Trước hội nghị thượng đỉnh, vai trò của Việt Nam trong việc hỗ trợ lộ trình kinh tế trong tương lai của Triều Tiên đã được thảo luận rộng rãi. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng tỏ ra ấn tượng với những cải cách và thành tựu kinh tế của Việt Nam. Mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam đã truyền cảm hứng cho các thành viên khác trong ASEAN như Campuchia, Lào và Myanmar.
Theo bài viết, trong khi Thái Lan đi được nửa chặng đường với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã hoạch định xong kế hoạch cho năm chủ tịch sắp tới. Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN để tăng cường gắn kết và tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên mới và cũ. Việt Nam dự kiến ASEAN sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề quốc phòng và an ninh, đặc biệt là theo các cơ chế do ASEAN chủ trì như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM+). Mục tiêu là thúc đẩy hơn nữa tính trung tâm của ASEAN để đối phó với các thách thức khó lường trước và để điều phối mối quan hệ giữa ASEAN với các cường quốc. Việt Nam muốn thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các vấn đề liên quan đến lao động nhập cư, bảo vệ phụ nữ, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương khác sẽ là một ưu tiên.
Bangkok Post khẳng định với việc lần thứ hai trở thành ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao vị thế của ASEAN tại LHQ. Việt Nam cũng có kế hoạch phái thêm nhiều nữ sĩ quan tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại châu Phi. Việt Nam cũng sẽ tăng cường sợi dây liên kết giữa ASEAN và LHQ trong các chương trình nghị sự khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển và kết nối bền vững.
Theo Báo Tin Tức