Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng dự tại điểm cầu UBND tỉnh An Giang.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh An Giang.
Tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã công bố quyết định 1585/QĐ –TTg ngày 23/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ tổ chức lại Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là Trưởng ban Chỉ đạo. Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc cuộc họp (Ảnh: baochinhphu.vn).
Từ đầu năm 2025 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn… đã làm 114 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế trên 553 tỷ đồng.
Trước diễn biến thiên tai cực đoan, khốc liệt, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã cùng vào cuộc, phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện quyết liệt từ sớm, từ xa với phương châm chỉ đạo “chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất”. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được thực hiện với tinh thần đại đoàn kết, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tương thân, tương ái.

Lực lượng xung kích phòng chống thiên tai xã Tân Hiệp (An Giang) giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Dự báo diễn biến thiên tai năm 2025 hết sức phức tạp, đặc biệt là những tháng 8, 9, 10 sắp tới và thực tiễn những năm qua cho thấy có nhiều diễn biến thiên tai không theo quy luật. Do đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần phải thay đổi căn bản về tư duy chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó phải hiệu quả, kịp thời, khắc phục phải hiệu quả; lấy con người làm trung tâm, chủ thể, xây dựng xã, phường, đặc khu là pháo đài, lấy quản lý rủi ro thiên tai làm trọng tâm trong mọi quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng duy trì nghiêm công tác ứng trực phòng thủ dân sự các cấp, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống xảy ra; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về công tác dự báo; phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương thực hiện công tác tuyên truyền về phòng thủ dân sự; chủ trì, phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai Hệ thống Tổng đài 112 phục vụ cho tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố, thảm họa đảm bảo thông suốt, không bị gián đoạn…
Với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiện toàn ngay Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh và xã; rà soát, cập nhật lại toàn bộ phương án ứng phó; nắm chắc và phát huy thực chất phương châm "bốn tại chỗ", xây dựng lực lượng xung kích tại chỗ phù hợp; lập phương án sơ tán đến từng hộ dân; truyền tin cảnh báo sớm nhất, dễ hiểu nhất….
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mừng đề nghị các sở, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao chủ động triển khai giải pháp phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai.
Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị các điều kiện thành lập Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự tỉnh ngay khi nghị định số 200/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực; gắn với xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo. Trước đó, thực hiện kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, xã, phường, đặc khu.
Sở Nông nghiệp và Môi trường rà soát báo cáo UBND tỉnh tiến độ thực hiện các công trình dự án phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh….
Tin và ảnh: THÙY TRANG