Cảnh quan sông Ngô Đồng tại Khu du lịch Tam Cốc. Ảnh: Minh Đường
Đi dọc hai bên bờ sông Ngô Đồng là những cánh đồng lúa xanh biếc trải dài khoe sắc như dải lụa. Không những vậy, sông Ngô Đồng còn là điểm đến ưa thích của nhiều đàn chim di cư đến trú ngụ. Hình ảnh dòng sông hiền hòa len qua các ngọn núi, thảm thực vật phong phú, lớp lớp đàn chim miệt mài kiếm mồi trong không gian núi non hùng vĩ, đã tạo cho du khách cảm giác như đang bước vào những câu chuyện cổ tích với vẻ đẹp nguyên sơ thiên tạo.
Chị Nguyễn Thị Phương Hoa, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi đến Tam Cốc. Tôi đã rất ngạc nhiên trước vẻ đẹp hoang sơ, với phong cảnh núi non hùng vĩ, dòng sông đi qua hệ thống các hang động đã mang cho tôi cảm giác thật tuyệt vời. Các bạn đã giữ gìn cảnh quan môi trường rất tốt, phát triển du lịch song vẫn luôn coi trọng các điều kiện tự nhiên. Cảnh đẹp nên thơ, như vậy, nhất định tôi sẽ còn quay trở lại. Những năm qua, đơn vị quản lý và khai thác du lịch Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động đã luôn chú trọng việc bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái của sông Ngô Đồng.
Từ năm 2018 đến nay, trên sông Ngô Đồng được xây dựng cánh đồng lúa Tam Cốc làm điểm nhấn trong Tuần du lịch Ninh Bình, nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc, hấp dẫn, khẳng định thương hiệu, vị thế du lịch Ninh Bình là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
Anh Đặng Ngọc Thiện, hướng dẫn viên Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động cho biết: Tôi đã làm việc ở đây hơn 1 năm nay, tôi thấy nơi đây rất đẹp, thanh bình, tạo sự hứng thú cho những người làm việc cũng như du khách đến với Tam Cốc-Bích Động. Do đó, tôi tích cực quảng bá những giá trị riêng có của dòng sông Ngô Đồng tại Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động để du khách có trải nghiệm thú vị.
Chị Phạm Thị Quế, nhóm trưởng vệ sinh-môi trường, Khu du lịch Tam Cốc Bích Động cho biết: Nhóm chúng tôi có 7 người, hàng ngày thực hiện nhiệm vụ vớt rác, rong rêu khu vực bến thuyền Tam Cốc và trên sông Ngô Đồng, giữ gìn tốt hệ sinh thái của sông để bảo vệ cảnh quan và tạo mỹ quan khi khách du lịch đến tham quan Tam Cốc-Bích Động.
Theo các nghiên cứu, sông Ngô Đồng được hình thành một cách hoàn toàn tự nhiên do quá trình kiến tạo địa chất của khu vực Di sản Tràng An. Do đó, vấn đề hài hòa lợi ích giữa phát triển du lịch và bảo tồn cảnh quan môi trường, điều kiện tự nhiên trong khu vực di sản là rất quan trọng. Việc bảo tồn cảnh quan, điều kiện tự nhiên sông Ngô Đồng gắn với phát triển du lịch sẽ càng nhân lên giá trị của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.
Đồng chí Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Sông Ngô Đồng, cùng với sông Sào Khê, sông Đền Vối là 3 con sông chảy trong lòng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Khi chảy trong lòng di sản, trên một nền đá vôi như thế, ngoài con sông hiện tại nhìn thấy thì hàng triệu năm trước đây còn có những dòng sông chảy trên tầm cao 60-100m so với mực nước sông bây giờ. Đó là những hang động xuyên núi mà trên những tuyến sông đó ta nhìn thấy như là hang Trống, hang Tò Vò. Dần dần con sông đó khoét sâu xuống, hiện chảy qua 3 hang (hang Cả, hang Hai, hang Ba), cùng với hai bên sông có những cánh đồng lúa thể hiện việc canh tác nông nghiệp rất xa xưa, trở thành một cảnh quan đẹp, kỳ thú. Hơn nữa, có rất nhiều dấu ấn lịch sử của nhân loại là những hang có dấu tích người tiền sử cho đến dấu ấn của thời kỳ Bắc thuộc, thời kỳ nhà Đinh, đặc biệt là dấu ấn của văn hóa thời Trần. Vừa qua, qua các nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, chúng ta đã phát hiện ra những nền kiến trúc rất đặc trưng của thời Trần, nó phản ánh những truyền thuyết, những lịch sử là có thật, từ việc lập ra vườn ao, đến nền triều cũ, đến Đền Thái Vi-là những dấu ấn của văn hóa thời Trần gắn với Hành cung Vũ Lâm, gắn với quá trình hình thành thiền phái Trúc Lâm.
Tất cả những giá trị văn hóa đó, cộng với cảnh quan, nếp văn hóa trồng lúa của cộng đồng ở cánh đồng hình chữ S trên dòng sông Ngô Đồng đã trở thành thương hiệu, bản sắc riêng của du lịch vùng Tam Cốc. Ngành Du lịch Ninh Bình đang xây dựng Đề án phục hồi những di tích liên quan đến Hành cung Vũ Lâm, liên quan đến Phật hoàng Trần Nhân Tông xuất gia đi tu, những công trình kiến trúc phục dựng lại nguyên bản trên nền kiến trúc đã khai quật được, cùng với những công nghệ trình chiếu ánh sáng, diễn giải giá trị di sản đó sẽ trở thành điểm đến du lịch. Đồng thời, việc bảo vệ cảnh quan sông Ngô Đồng thời gian tới cần tiếp tục được đẩy mạnh bằng việc phục dựng, có kế hoạch di dời những hộ dân đang sống rải rác trong khu vực này; cải tạo cảnh quan môi trường đảm bảo hệ sinh thái tự nhiên; tạo nên sản phẩm nông nghiệp, nông sản có tính chất riêng, có giá trị riêng thu hút du khách đến Tam Cốc phát triển du lịch bền vững...
Theo Báo Ninh Bình