Bảo tồn những giá trị tốt đẹp mùa lễ hội truyền thống

12/02/2019 - 09:06

Mặc dù đã trở thành hoạt động thường niên được trông đợi, hấp dẫn đông đảo khách thập phương nhưng các hiện tượng phản cảm, mất an toàn vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều lễ hội truyền thống mỗi dịp xuân về.

Năm 2019, một mùa lễ hội an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, vừa tôn vinh các tiền nhân, vừa là dịp xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp hơn vẫn là thành quả được chờ đợi với không ít thấp thỏm. Dù rằng, nhiều ban tổ chức đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ gần 1 năm trước.

Lễ hội Phết Hiền Quan tỉnh Phú Thọ từng là tâm điểm của truyền thông trong mùa lễ hội năm 2018 bởi hàng rào bảo vệ bị đám đông xô đẩy, phá vỡ để tràn vào tranh cướp quả Phết. Tránh tình trạng mất kiểm soát của năm trước, mùa lễ hội 2019, từ trước lễ hội chính nhiều tháng, ban tổ chức đã tập trung xây dựng đề án tổ chức với khá nhiều đổi mới về nội dung lẫn phương án bảo vệ. Trong đó, khu vực đánh Phết được bố trí riêng trên diện tích 1.000m2. Giới hạn là các cây nêu, cọc tre, các cột căng dải băng.

Ngoài việc chia đội, giảm thành viên tham gia cướp Phết, có đến 4 hàng rào bảo vệ được bố trí để ngăn chặn tình trạng người dự lễ hội tự ý tràn vào tranh cướp quả Phết. Toàn bộ các hoạt động, kể cả quá trình rước lễ đều có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh.

Trước đó, một loạt hoạt động phối hợp tuyên truyền của chính quyền địa phương – xã Hiền Quan, huyện Tam Nông với chính quyền, đoàn thể, các bậc cao niên các xã lân cận đã được thực hiện nhằm vận động người dân, đặc biệt là thanh niên cùng huyện có ý thức khi tham gia lễ hội. Một hệ thống âm thanh lớn được bố trí trong khu vực diễn ra cướp Phết để chuẩn bị cho tuyên truyền trong suốt quá trình diễn ra lễ hội…

Nhiều điểm di tích luôn quá tải trong mỗi dịp lễ hội.

Chính thức khai hội vào ngày mùng 6 Tết, Hội Gióng đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội năm nay cũng có nhiều đổi mới. Tránh tình trạng cướp hoa tre và cướp lộc lấy được như nhiều năm trước, để đảm bảo tính tôn nghiêm nơi thờ tự, ban tổ chức đã quyết định đưa cả giỏ hoa tre và lễ vật vào hậu cung, bảo vệ an toàn sau khi hoàn thành các công đoạn tế lễ. Thậm chí, hoạt động phát lộc cũng sẽ không được thực hiện ngay sau đó mà còn được chia nhỏ, phát vào thời điểm mà ban tổ chức cho là thích hợp nhất…

Mặc dù các lễ hội từng bị dư luận cho là có vấn đề trước đây đều có kế hoạch chấn chỉnh công tác tổ chức, đổi mới song ngay người trong cuộc cũng chưa hẳn thật sự tự tin về việc đảm bảo tuyệt đối về an ninh trật tự hay các sự cố đáng tiếc. Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thủ đô hiện nay có 1.026 lễ hội. Các lễ hội được quan tâm hàng đầu là lễ hội chùa Hương, hội Gióng…

Lễ hội chùa Hương kéo dài suốt 3 tháng, lượng khách trẩy hội rất đông. Năm 2018, công tác tổ chức hầu như đều rất nền nếp, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra nhưng phút cuối thì xảy ra hiện tượng sư thầy tự ý phát lộc gây nên tình trạng lộn xộn ngay chốn cửa thiền. Rút kinh nghiệm mùa lễ hội trước, năm 2019, trong các cuộc họp, lãnh đạo thành phố đều nhấn mạnh nội dung và giao trách nhiệm thẳng cho UBND các quận, huyện, phường, xã. Ban hành văn bản riêng, tổ chức cả hội nghị quán triệt với các địa phương, đặc biệt là những địa phương có lễ hội lớn đều phải có kế hoạch chi tiết.

Từng năm địa phương thấy có những gì phát sinh, khi cơ chế thị trường có yếu tố thương mại thì việc sắp xếp các gian hàng phải như thế nào để đảm bảo bảo tồn các di tích. Trước lễ hội, thành phố đều có các đoàn đến từng địa điểm kiểm tra thực tế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung kiểm tra thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ công chức viên chức và ứng xử nơi công cộng.

Ngoài việc niêm yết văn bản tại di tích, cơ quan quản lý còn làm việc trực tiếp, vận động người dân, gắn trách nhiệm với trưởng ban quản lý di tích của huyện, xã… Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các năm cho thấy, thực tế luôn có những phát sinh khó lường. 

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cũng nhận định: Lễ hội truyền thống tôn vinh các tiền nhân, các nhân vật lịch sử có đóng góp cho đất nước. Thông qua lễ hội, người dân phần nào hưởng thụ giá trị tinh thần, giá trị văn hóa, từ đó xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế.

Mặc dù đã có nhiều cuộc tổng kết, hội nghị chuyên sâu đã phân tích nhưng vẫn còn chen lấn xô đẩy, đốt vàng mã còn nhiều ở các di tích, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường. Một số cơ quan xử lý cán bộ công chức vi phạm đi lễ trong giờ hành chính chưa nghiêm. Hiện tượng đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số lễ hội. Nguyên nhân là nhiều lễ hội thường chú trọng đầu tư hình thức, quy mô tổ chức mà chưa chú ý nhiều đến nội dung giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội.

Thời gian gần đây, ban tổ chức nhiều lễ hội đã có những phương thức đổi mới cho phù hợp nhưng một số địa phương, đổi mới còn chậm hoặc thiếu đổi mới, đầu tư không đồng bộ về cơ sở vật chất, nhân lực. Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân về giá trị truyền thống của lễ hội còn hạn chế trong khi đây là yếu tố có tính chất quan trọng.

Nhu cầu tham gia lễ hội ngày một tăng, không gian tổ chức lễ hội còn chật hẹp rất dễ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát an ninh. Một số nơi lại chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của người tham gia lễ hội, của ban tổ chức lễ hội, việc phân cấp trách nhiệm quản lý của nhà nước của các bộ, ngành và UBND các cấp còn hạn chế.

Để chấn chỉnh những hạn chế nêu trên, ngay trước thềm mùa lễ hội chính thức, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Đặc biệt, với việc triển khai Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chứclễ hội được kỳ vọng sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi, tạo hiệu quả cao hơn trong đảm bảo an toàn cho các lễ hội lớn, phức tạp. Bởi lẽ, ngoài việc phân công trách nhiệm rõ ràng, có cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với sở, ban, ngành trong công tác tổ chức lễ hội trên từng địa bàn phù hợp, Nghị định quy định rất chi tiết nhiều nội dung khác như: cấm lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

Lễ hội bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng sẽ bị dừng tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên có một văn bản của Chính phủ quy định về trách nhiệm của các Bộ. Ngoài Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số Bộ khác như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các ngành có liên quan đều có quy định trách nhiệm rõ ràng. Nếu chỉ đạo của chính phủ thực hiện nghiêm thì hoạt động quản lý lễ hội năm 2019 sẽ hiệu quả cao hơn…

Theo N.NGUYỄN (Công An Nhân Dân)