Bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống các lễ hội

10/03/2023 - 14:09

Ninh Bình, mảnh đất níu chân biết bao du khách trong và ngoài nước không chỉ bởi vẻ đẹp của nhiều danh lam thắng cảnh, mà còn bởi các lễ hội mang đậm giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của dân tộc.

Những năm qua, Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm gìn giữ, bảo tồn nét đẹp truyền thống của các lễ hội, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng. 

"Cầu nối" quá khứ và hiện tại

Một tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2022. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Lễ hội Hoa Lư được tổ chức tại Di tích lịch sử cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, trong các ngày từ 8-10/3 âm lịch hàng năm. Lễ hội Hoa Lư được xếp hạng là di sản văn hóa cấp quốc gia. Đây là lễ hội đã có lịch sử lâu đời, phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của đức vua Đinh Tiên Hoàng và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại Đinh, Lê, Lý. Lễ hội Hoa Lư xưa được các vương triều phong kiến tổ chức trang trọng ở cấp Nhà nước. Hiện nay, lễ hội Hoa Lư vẫn có tầm ảnh hưởng lớn, bảo lưu được những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc. 

Những năm qua, Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm lưu giữ trọn vẹn các nét đẹp truyền thống trong Lễ hội Hoa Lư. Đặc biệt, một số nghi lễ đã được phục dựng như nghi thức Tế Cửu khúc - 9 bài ca nhằm ca ngợi công đức Vua Đinh Tiên Hoàng. Trong khuôn khổ lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã tổ chức các hoạt động như "Thi Kéo chữ Thái Bình", Hội thi diễn tích "Cờ lau tập trận". Đây là các hoạt động thu hút nhiều học sinh tham gia, góp phần giáo dục lịch sử, văn hóa vùng đất Cố đô Hoa Lư. 

Chị Nguyễn Thị Lan, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, chia sẻ: Bên cạnh những nghi thức được bảo tồn và giữ gìn, những năm gần đây, trong khuôn khổ lễ hội, Ban tổ chức đã có nhiều hoạt động mới được người dân quan tâm, hưởng ứng, tiêu biểu như: Lễ cầu quốc thái dân an và Lễ hội hoa đăng; các cuộc thi “Thi thư pháp”, “Thi mâm ngũ quả tiến Vua"; các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng đặc sắc…

Sự đổi mới nội dung lễ hội truyền thống là rất khó, nhất là những lễ hội có từ lâu đời, đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Song việc đổi mới dựa trên nền tảng của nét văn hóa lễ hội dân gian góp phần là "cầu nối" giữa quá khứ và hiện tại, tạo điều kiện, lôi cuốn, phát huy vai trò của nhân dân, để người dân trực tiếp tham gia các hoạt động của lễ hội nhiều hơn sẽ mang lại hiệu quả cao, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, thu hút đông đảo du khách thập phương về trẩy hội. 

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin, UBND huyện Hoa Lư Đinh Thị Thư cho biết, địa phương là nơi có nhiều lễ hội truyền thống lớn, tiêu biểu của tỉnh như Lễ hội Đền Thái Vi, Thánh Quý Minh Đại Vương, Lễ hội Hoa Lư... Nhằm giữ gìn và bảo tồn, tôn vinh nét đẹp văn hóa trong các lễ hội truyền thống, Phòng tham mưu UBND huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cấp, ngành và nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện quy định về tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh; tăng cường phối hợp trong quản lý hoạt động lễ hội đảm bảo việc tổ chức lễ hội đúng quy định...

Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 243 lễ hội, trong đó có 2 lễ hội đã được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) và Lễ hội làng Bình Hải (xã Yên Nhân, huyện Yên Mô). Các lễ hội ở Ninh Bình đa số có quy mô vừa và nhỏ, thời gian tổ chức lễ hội ngắn. Hầu hết các lễ hội diễn ra vào mùa Xuân, từ đầu tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch (với 180 lễ hội). Ngoài Lễ hội Hoa Lư do cấp tỉnh tổ chức và 11 lễ hội do cấp huyện tổ chức, các lễ hội còn lại do cấp xã và cộng đồng dân cư tổ chức. 

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, lễ hội truyền thống là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức với nghi lễ truyền thống và các hình thức sinh hoạt văn hóa. Lễ hội là dịp để mọi người hướng về cội nguồn, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư. Đây là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, vừa độc đáo, vừa phong phú, phản ánh đời sống tinh thần của một cộng đồng dân cư. Nhiều yếu tố văn hóa trong lễ hội được bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác, trở thành di sản văn hóa của địa phương. 

Những năm qua, trong các lễ hội, nghi thức phần lễ được thực hiện trang nghiêm, thành kính, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương. Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại, với sự đa dạng, phong phú về loại hình hoạt động, gắn với đặc trưng vùng miền, tạo nên không gian lễ hội vui tươi, lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Các lễ hội tuy được tổ chức với quy mô khác nhau song đều thu hút được sự tham dự của đông đảo nhân dân địa phương và du khách. 

Để đảm bảo mùa lễ hội Xuân Quý Mão nói riêng và việc tổ chức các lễ hội trong năm 2023 diễn ra vui tươi, an toàn, lành mạnh; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc cũng như thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản số 04/UBND-VP6 ngày 4/1/2023 chỉ đạo sở, ngành, đoàn thể, UBND các địa phương tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh năm 2023; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân, nghiêm túc thực hiện quy định về tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Trước Tết Quý Mão 2023, các phòng chức năng của Sở đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các Ban Quản lý các di tích ở địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, cũng như công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội. Thời gian tới, đặc biệt là những tháng đầu năm, Sở tiếp tục tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố trong công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn tổ chức lễ hội, đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để đảm bảo các lễ hội được tổ chức đúng quy định.

Theo TTXVN