Lễ hội dân gian truyền thống độc đáo
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) xác định du lịch (DL) là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó TP. Châu Đốc là trung tâm phát triển DL của tỉnh. TP. Châu Đốc hấp dẫn bởi tài nguyên DL phong phú, nổi bật với địa hình núi đá nổi giữa vùng đồng bằng trù phú, liền kề hệ thống kênh, rạch tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo; các giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền khu danh thắng núi Sam với quần thể di tích được xếp hạng cấp quốc gia, như: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Phước Điền (hay còn gọi là chùa Hang). Đặc biệt, là giá trị văn hóa truyền thống của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam có sức hút mạnh mẽ đối với người dân, du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội dân gian truyền thống độc đáo của An Giang nói chung và Châu Đốc nói riêng. Lễ hội chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, khát vọng của cộng đồng hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Lễ hội mang tính cộng đồng cao, thể hiện sự sáng tạo và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Năm 2014, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hiện nay, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đang được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Có thể thấy, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa hết sức to lớn và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng người dân An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam chỉ thực hiện các nghi thức truyền thống để bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm nay, tình hình dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả; mọi hoạt động kinh tế - xã hội được trở về trạng thái bình thương mới.
Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, chính quyền TP. Châu Đốc đầu tư nâng chất công tác tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam về nội dung, hình thức, về phần lễ và phần hội theo hướng tạo điều kiện để du khách và nhân dân cùng tham gia.
Gìn giữ và phát huy
Về với lễ hội năm nay, người dân và du khách sẽ được thưởng thức và chìm đắm vào một không gian văn hóa tâm linh độc đáo của các nghi lễ truyền thống. Chị Nguyễn Thị Trúc Đào (ngụ quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng về An Giang tham dự lễ hội, tôi thấy năm nay chương trình hoành tráng, dàn dựng công phu và long trọng. Các tiết mục ca múa dàn dựng đẹp, nhiều ca sĩ nổi tiếng đến từ TP. Hồ Chí Minh về hát phục vụ bà con. Qua chương trình, giúp tôi hiểu rõ hơn về ý nghĩa quan trọng của lễ hội trong đời sống người dân An Giang nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, tôi còn tham gia chương trình lễ phục hiện rước tượng Bà từ bệ đá trên đỉnh núi Sam về miếu. Du khách về đông như trẩy hội, rất vui. Tôi mong lễ hội được duy trì và phát triển hơn, có thêm những nét mới để thu hút du khách gần xa”.
Bí thư Xã đoàn Vĩnh Châu Ngô Thị Thùy Trang chia sẻ: “Thời gian tới, thế hệ trẻ thành phố, lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh sẽ tích cực tham gia, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh tại địa phương. Thường xuyên tổ chức các buổi giới thiệu về di sản vật thể và di sản phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; lập website, Fanpage quảng bá về di sản; từng bước đưa nội dung giáo dục di sản vào các buổi sinh hoạt tập thể… Qua đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lễ hội, DL lành mạnh, an toàn, xây dựng hình ảnh thế hệ trẻ thành phố xung kích trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội”.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi cho biết: “Châu Đốc vinh dự, tự hào khi UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Châu Đốc trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chúng tôi sẽ chung sức, đồng lòng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làm phong phú hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư. Qua đó, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa địa phương ngày càng bền vững”.
THU THẢO